Toàn xã có 52 ha táo, trong đó, 11ha ở thôn Bảo An sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ trồng táo VietGAP được hướng dẫn về quy trình sản xuất an toàn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, mô hình trùm lưới màng chắn ruồi vàng cho vườn táo. Với kỹ thuật canh tác trên, hầu hết các hộ trồng táo thu lợi nhuận cao. Anh Hồ Trung Sơn, thành viên Nhóm trồng táo sạch, cho biết: Trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất cũ, có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật mới, kiểm soát được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo theo tiêu chuẩn sản xuất táo sạch, vì vậy năng suất và chất lượng tăng khoảng 15-20% so với sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, khi tham gia mô hình, các hộ được trao đổi kinh nghiệm về quy trình sản xuất, thông tin giá cả thị trường, sản phẩm làm ra được Trang trại nho Ba Mọi thu mua với giá ổn định.
Anh Lê Quốc Trọng, thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc thực hiện quy trình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm “sạch”, năng suất cũng tăng lên đáng kể. Anh Lê Quốc Trọng, hộ dân tham gia mô hình, chia sẻ: Đây là năm thứ 3 gia đình tôi trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 3 sào, áp dụng kỹ thuật trùm lưới màng toàn bộ diện tích, nên trái to bán giá cao, năng suất đạt 5 tấn/sào/vụ, cao hơn so với sản xuất trồng truyền thống 1,5 tấn. Với giá bình quân từ 15.000-17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 27 triệu đồng/sào/vụ.
Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Để phát triển sản xuất bền vững, trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất cho nông dân, thành lập các tổ, nhóm trồng táo VietGAP.
Tiến Mạnh