Thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có có 772 hộ; trong đó, 95% đồng bào Raglai, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn thôn có 779 ha đất nông nghiệp ở cuối kênh của hệ thống tưới hồ Phước Trung, nên thường xuyên bị thiếu nước. Những năm gần đây, tình hình thời tiết biến đổi bất thường đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ, do đó đời sống của bà con trong thôn gặp nhiều khó khăn, có tới 675 hộ nghèo và cận nghèo.
Nông dân thôn Mỹ Hiệp trồng đậu phộng trên đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập cao.
Để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cùng vào cuộc vận động nông dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và sản xuất hàng hóa cung cấp ra thị trường. Để thực hiện đạt mục tiêu trên trong điều kiện trình độ dân trí của bà con thấp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh có cách làm hay, đó là chú trọng tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng bắp, đậu xanh, mè, đậu phộng. Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, bài giảng thể hiện qua hình ảnh thực tế, thao tác thực hành trực tiếp trên đồng ruộng, nên nông dân tiếp thu nhanh kỹ thuật canh tác cây trồng, biết cách lên luống, gieo đúng mật độ, bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh.
Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) thu hoạch đậu xanh trên đất lúa kém hiệu quả cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Nỷ
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia các lớp tập huấn, nông dân biết áp dụng kỹ thuật vào canh tác các loại cây trồng cạn, xây dựng mô hình trình diễn đậu xanh giống mới từ 2 ha ở vụ đông - xuân 2015-2016, đến vụ đông - xuân 2019-2020 tăng lên 150 ha, mang lại lợi nhuận 32 triệu đồng/ha. Song song đó, bà con còn triển khai mô hình thâm canh bắp lai NK7328; cây đậu phộng, cây mè, quy mô gần 100 ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây.
Anh Phạm Minh Hòa, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn, cho biết: Kết quả từ thực hiện mô hình chuyển giao khao học - kỹ thuật đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào Raglai. Hiện nay, người dân thôn Mỹ Hiệp đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế, qua đó, khai thác tiền năng đất đai mở rộng quy mô sản xuất, không còn tình trạng bỏ hoang đất vào những vụ thiếu nước. Kết quả từ chương trình chuyển đổi cây trồng tại thôn Mỹ Hiệp làm tiền đề nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Bên cạnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ duy trì, nhân rộng các mô hình cây trồng cạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân xã Mỹ Sơn chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: bưởi da xanh, mít, xoài, sầu riêng, dừa xiêm.
Anh Tùng