Hơn tuần nay, anh Sang, ở phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) lo lắng vì 1,5 sào nho gần đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến mua. Trường hợp không bán được tôi sẽ cắt nho đưa ra chợ bán, không để cho các đối tượng “tát nước theo mưa” ép giá, anh Sang nói. Còn với ông Bảy, ở khu phố 1, phường Mỹ Hải có vườn nho đến kỳ thu hoạch bị thương lái “bỏ kèo” nên đang vận động bà con trong tỉnh mua để bớt lỗ. Chủ một vựa nho, táo ở thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước), cho hay: Khoảng 1 tháng nay, dịch COVID-19 hoành hành, người dân hạn chế ra ngoài, thắt chặt chi tiêu, các hoạt động du lịch, lễ hội… đều bị hủy bỏ, nên bạn hàng khắp cả nước giảm đơn hàng. Hiện giá nho xanh mua nguyên vườn dao động từ 20.000- 25.000 đồng/kg, nho đỏ từ 10.000-13.000 đồng/kg, giảm 15.000- 20.000/kg so với vụ cùng kỳ.
Thương lái thu mua nho tại thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước).
Không chỉ nho, táo, một số mặt hàng nông sản thuộc nhóm sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Dê, cừu, măng tây xanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Nguyên, một đầu mối kinh doanh dê, cừu tại thôn Long Bình, xã An Hải (Ninh Phước), cho biết: Từ sau tết Nguyên đán đến nay, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa, nên sức tiêu thụ thịt dê, cừu giảm, giá dê đực tơ chỉ còn 108.000 đồng/kg, dê cái 100.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với trước tết.
Trước tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản giảm, nhiều nhà vườn chủ động chuyển sang hình thức bán hàng online. Dù thêm công trông coi, cắt tỉa và giao hàng tại nhà cho khách, nhưng tính ra nhà vườn vẫn có lãi. Sự linh động này đã giúp nông dân phần nào giảm bớt thiệt hại bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiếp tục duy trì sản xuất.
Ngọc Diệp