Thực hiện 21 ca ghép tạng trong một tháng

Trong tháng 8 vừa qua, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế đã lập kỷ lục thực hiện thành công 21 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép gan, 2 ca ghép tim xuyên Việt và 18 ca ghép thận.

Điển hình, ngày 31/8, BV thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt từ một người cho chết não tại Hà Nội. Hai người được nhận tạng là anh Trần Văn T. (36 tuổi, ở Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn và anh Lê Khắc T. (52 tuổi, ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị mắc ung thư gan trên nền xơ gan mất bù.

Thực hiện ghép tim tại BV Trung ương Huế. Ảnh: bvtwhue.com.vn

Tim và gan của người hiến được BV Trung ương Huế thực hiện ghép trong cùng một thời điểm. Tim ghép của người hiến tặng đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh. Lá gan ghép bắt đầu thực hiện chức năng trong cơ thể bệnh nhân một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu lạnh.

Hiện nay, sức khỏe của 2 người nhận tạng đã ổn định, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn. Người nhận tạng tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng.

GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế cho TTXVN biết, sự thành công của 2 ca ghép tạng xuyên Việt cùng một thời điểm khẳng định vị thế của BV Trung ương Huế trong chinh phục đỉnh cao của ghép tạng. BV đã huy động, cung cấp máu cùng các chế phẩm máu với số lượng rất lớn đồng thời cho 2 bệnh nhân có cùng nhóm máu và phẫu thuật phức tạp để có được thành công của 2 ca ghép này.

Tính đến nay, BV đã thực hiện hơn 800 trường hợp ghép tạng, gồm nhiều bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt. Điều này khẳng định ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thực hiện thường quy của BV Trung ương Huế với tỷ lệ thành công cao.

Đặc biệt, BV Trung ương Huế đã thực hiện thành công 5 trường hợp ghép tim xuyên Việt. BS. Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, trưởng ê kíp ghép tim xuyên Việt của BV Trung ương Huế chia sẻ, thách thức đặt ra trong việc ghép tim xuyên Việt chính là bảo đảm thời gian. Bởi “thời gian vàng” của quả tim khi lấy ra khỏi cơ thể người chỉ có thể bảo quản trong vòng 6 tiếng. Nếu quá trình vận chuyển quả tim gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến trở nên vô nghĩa. Vì vậy, các y bác sĩ của BV Trung ương Huế và BV Việt Đức hay BV Quân đội 108 luôn "cân não" có phương án dự phòng, đảm bảo đưa tạng về BV an toàn.

BV Trung ương Huế là BV hạng đặc biệt, có trên 100 khoa, phòng chức năng và 8 trung tâm trực thuộc. BV Trung ương Huế trở thành cơ sở đào tạo thực hành thạc sĩ, tiến sĩ y khoa trong cả nước; đồng thời, hàng năm đón nhận nhiều sinh viên, bác sĩ người nước ngoài, như Singapore,Thái Lan, Malaysia... đến nghiên cứu sinh, học tập.

BV Trung ương Huế là hạt nhân đã hỗ trợ cho 9 BV tỉnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các BV tuyến huyện ở tỉnh Thừa Thiên-Huế theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, góp phần giải quyết nhiều trường hợp bệnh khó, cứu sống nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo www.chinhphu.vn