* Bạn đọc, người dân hỏi: Tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh và nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh SXH?
- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 968 ca mắc SXH (có 26 ca mắc bệnh nặng), tăng 6,6 lần so với cùng kỳ, bệnh lưu hành tại 55/65 xã, phường. Số ca mắc tập trung ở các địa phương: Tp.Phan Rang- Tháp Chàm 354 ca, Ninh Phước 323 ca, Ninh Hải 117 ca. Ngành Y tế đã xử lý 77 ổ dịch, trong đó Tp.Phan Rang- Tháp Chàm 44 ổ, chiếm 57,1%; Ninh Phước 11 ổ; Thuận Nam 9 ổ… Tuy nhiên, trên thực tế số ca mắc được cho là cao hơn, vì số ca mắc trên được thu thập từ các cơ sở y tế công lập, chưa tính đến các ca mắc bệnh nhưng tự điều trị tại nhà, hoặc đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân.
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với ngành Y tế các địa phương hàng tháng điều tra ổ bọ gậy, lăng quăng tại các xã, phường trọng điểm. Ngoài các đợt kiểm tra, giám sát tình hình dịch tễ của các địa phương, Sở Y tế cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra phòng chống SXH vào các thời kỳ cao điểm, tại 26 xã có số mắc cao. Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn cho ngành Y tế các địa phương tích cực phối hợp tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy…, tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra cho thấy, nhiều hộ gia đình vẫn chưa ý thức, cũng như chưa có kiến thức đúng và đủ về công tác phòng bệnh. Cụ thể là chưa ý thức tự dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, chưa tự phát hiện và vệ sinh đúng cách các vật dụng phế thải, dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy tại gia đình. Điển hình, qua đợt kiểm tra, khảo sát công tác phòng chống bệnh SXH trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, đoàn đã tiến hành kiểm tra 331 hộ/16 xã, phường và đã ghi nhận 150 hộ có dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy, chiếm 45,3%. Điều đáng nói đó là vẫn còn nhiều người dân, khi đoàn đến nhà để kiểm tra, tỏ thái độ không hợp tác, hết sức chủ quan, thiếu hiểu biết trong việc phòng bệnh, cho rằng bản thân gia đình mình đã dọn vệ sinh khu vực sống sạch sẽ nên không có lăng quăng, bọ gậy; tuy nhiên khi vào nhà kiểm tra, đoàn đã phát hiện ra nhiều dụng cụ, vật dụng chứa nước có lăng quăng, bọ gậy. Một số hộ cho rằng việc phun hóa chất diệt muỗi gây độc hại, làm bẩn nhà … nên từ chối để nhân viên y tế vào phun xịt…
Ngoài ý thức trách nhiệm của người dân trong việc phòng bệnh còn hạn chế, hiện nay, mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH tại các khu phố không còn hoạt động; kinh phí phân bổ cho công tác phòng chống dịch thiếu thốn; sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chưa thực sự mạnh mẽ; công tác tham mưu của bộ phận chuyên môn chưa kịp thời, chưa phản ánh đúng tình hình dịch bệnh tại địa phương… nên đã gây khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch thời gian qua.
* Bạn đọc, người dân hỏi: Các giải pháp nào để người dân phòng chống bệnh SXH hiệu quả?
- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Vẫn còn nhiều người dân hiểu chưa đầy cho rằng chỉ cần phun thuốc diệt muỗi là tiêu diệt được vật trung gian truyền bệnh, là cách làm hữu hiệu để phòng bệnh. Xuất phát từ suy nghĩ đó nên phó thác toàn bộ việc phòng chống dịch bệnh cho ngành Y tế. Biện pháp quan trọng, hiệu quả nhất là phải tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Như vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh SXH, bên cạnh các hoạt động chuyên môn như phun thuốc diệt muỗi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tể của ngành Y tế…, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức giúp người dân có thể tự biết cách tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống hạn chế tối đa muỗi sinh sôi, phát triển là biện pháp hữu hiệu nhất. Để làm được điều này rất cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ban, ngành, đoàn thể.
Nội dung, hình thức tuyên truyền cũng cần đổi mới. Ngoài các hình thức tuyên truyền: tuyên truyền trên loa phát thanh địa phương, tờ rơi…, cán bộ y tế phối hợp với cán bộ chính quyền địa phương, đoàn thể cần tích cực đến các hộ gia đình để kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”; nội dung tuyên truyền cũng cần cụ thể, thiết thực, rõ ràng, dễ hiểu, không chỉ giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương, ở đâu có ổ dịch mới, thậm chí hộ gia đình nào có người mắc bệnh, mà còn giúp người dân có biết cách thực hiện các giải pháp, hình thành những thói quen trong nếp sống, sinh hoạt để phòng ngừa bệnh như: súc rửa dụng cụ chứa nước để loại bỏ triệt để ổ lăng quăng, dọn vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống… Đối với những trường hợp không hợp tác, có hành vi chống đối cũng cần có biện pháp chế tài, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người dân, qua đó góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống, kiểm soát, không để bệnh SXH lây lan rộng ra cộng đồng.
Uyên Thu