Bốn mươi năm ấy bây giờ là đây !

(NTO) 40 năm. Một quãng thời gian đủ dài để ngồi ngẩm lại những gì đã xảy ra trong suốt quãng thời gian hơn nửa đời người. Mọi thứ diễn ra một cách quá nhanh. Nhanh đến chóng mặt. Mới ngày nào đó, cái làng trầu nhỏ bé hắt hiu ven bờ sông Dinh của tôi vẫn còn lam lũ, khó nghèo, vậy mà bây giờ, nếu ai đã đi xa trong chừng ấy thời gian, khi trở về chắc sẽ không tin nổi vào mắt của mình. Cái làng quê nhỏ bé đó đổi thay cứ như cú vươn vai của Phù Đổng.

Ngày đó, người dân làng trầu quê tôi cứ ước ao mãi một bóng đèn điện để cho tụi nhỏ có điều kiện học hành. Dân làng trầu của tôi chỉ ước ao có một con đường đàng hoàng nối thông với thị xã để những người gánh trầu, gánh rau không còn chịu cái cảnh khổ cực vì cái chuyện lụy đò và còn nhiều ước ao, những khao khát mà ngày đó nếu có nằm mơ thì người dân quê tôi cũng không thể nào thấy nổi. Ngày đó, cứ ước ao, khao khát mãi làm sao để có một chiếc ti-vi để biết được những gì xảy ra chung quanh mình, hay đơn giản hơn chỉ là ước ao có được những tối được đi loanh quanh thị xã, thế mà nào có được. Vì thế, bây giờ, nhìn những đổi thay đến chóng mặt trên chính cái làng quê nghèo của mình, mới thấy được những gì mà suốt 40 năm sau ngày thống nhất đất nước quả là một phép lạ diệu kỳ.

 
Một góc thành phố Phan Rang- Tháp Chàm ngày nay. Ảnh: Văn Miên

Bây giờ, trên những cánh đồng quê tôi hầu như không còn cái cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Không còn cái cảnh các mẹ, các em khom lưng cắt từng bó lúa. Bây giờ, máy cày, máy kéo đã ngang dọc khắp những cánh đồng mỗi khi vào vụ. Bây giờ nói đến chiếc máy gặt đập liên hợp thì đó không còn là một cái gì kinh khủng như những ước mơ ngày nào của người nông dân quê tôi.

Bây giờ, hàng ngày ngồi trên chiếc xe máy chạy thong dong trên con đường mới mở, băng qua chiếc cầu nối thông đôi bờ sông Dinh để đến thành phố, mới thấy chẳng có gì là không thể nếu chúng ta có quyết tâm. Cái làng trầu nhỏ bé của tôi bây giờ cũng chẳng khác gì phố thị. Kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi khiến cho cuộc sống người dân ngày càng sung túc. Nói không ngoa chứ ở cái làng trầu của tôi bây giờ không thiếu bất cứ cái gì. Thành phố có cái gì, quê tôi có cái đó. Bởi thế mới nói, đó quả là một sự đổi thay kỳ diệu mà ngày xưa có nằm mơ, người dân quê tôi cũng không thể nào thấy được. Người dân quê tôi bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ và chỉ với một cái click chuột máy tính là có thể biết tất tần tật những gì đang xảy ra trên đất nước mình. Internet đã về tới tận ngóc ngách của cái làng trầu nhỏ bé này. Mọi thông tin liên lạc đều thông suốt và qua đó, người nông dân quê tôi đã biết ứng dụng những gì tiến bộ nhất trong nông nghiệp vào sản xuất để từ đó vươn lên làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

40 năm. Một quãng thời gian đủ dài để chứng kiến những thăng trầm, biến động. Những đổi thay mà ngay đến một con người khá là bảo thủ như tôi cũng chẳng thể tin vào mắt mình nếu như không là người trong cuộc. 40 năm đủ để chứng kiến một giấc mơ đã biến thành hiện thực. Cái hiện thực hiện hữu ngay trước mắt mình là một minh chứng hùng hồn nhất cho những thành tựu của đất nước, của công cuộc cải cách kinh tế đã biến một vùng quê nghèo trở thành một vùng sản xuất hàng hóa trù phú như hôm nay. Và bây giờ, nếu có điều kiện, bạn cứ thử dạo qua bất kỳ làng quê nào trên xứ sở xương rồng này, bạn sẽ thấy ngay những gì tôi nói là không quá lời chút nào. Từ điện, đường cho đến trường, trạm. Bạn hãy nhìn những ngôi trường vững chãi, khang trang ở bất kỳ đâu, những đường điện giăng ngang, giăng dọc trên những triền núi, bản làng miền núi xa xăm. Những con đường đã được bê-tông hóa đến từng ngõ ngách của từng thôn xóm. Nhìn những chiếc chảo thu tín hiệu ti-vi trên những mái nhà của đồng bào dân tộc Raglai mới thấy được những đổi thay diệu kỳ đã diễn ra trong 40 năm sau ngày thống nhất đất nước. Lúc đó bạn sẽ thấy cú vươn vai ngoạn mục của Phù Đổng đã trở thành hiện thực trên quê hương mình.