1. Phây – bút (facebook) là trang mạng xã hội mà ngày nay phổ biến đến mức hầu như bất kỳ ai có sử dụng những phương tiện công nghệ số như máy tính, máy tính xách tay ( laptop), đện thoại thông minh (smartphone),…đều tạo cho mình một tài khoản (account) phây – bút (facebook) khá dễ dàng và hoàn toàn miễn phí, có nghĩa tạo cho mình một trang mạng xã hội (một phần không gian ảo cho cá nhân).
Do là trang mạng xã hội, được xem như là “nhật ký mở” nên người “chủ phây” ( chủ trang facebook) có thể viết lên đó những tâm tư, tình cảm,những thái độ cùng những chia sẻ và tất nhiên là cả kiến thức cần trao đổi. Và cũng vì là trang mạng xã hội (đã được xem như nhật ký mở) nên độ tương tác của “phây” là rất lớn. Trên trang cá nhân này, bạn được “viết” và được “xem” rất nhiều trang phây – bút khác và tất nhiên là ngược lại. Cũng cần nhớ lại một chế độ khá “cởi mở” của facebook là chế độ “kết bạn”, qua đó mở ra mức độ tương tác rất rộng lớn cho người chơi phây (facebooker).
2. Người viết bài này hơi dong dài về “phây” là bởi vì qúa ấn tượng với “phây”. Vì sao? Nhiều lẽ lắm! Trước tiên là phải nói đến mức độ say “phây” của người đời. Phây bút là cái gì mà ai cũng vội vội, vàng vàng tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Khách cà – phê rảnh rang lướt phây đã đành, bà nội trợ vừa luộc rau, rán trứng cũng tranh thủ lướt phây, học sinh, công chức, tiểu thương,… người người lên phây, nhà nhà bàn phây. Rồi có cả trường hợp làm tái xanh mặt mày người đi đương khi có người vừa chạy xe vừa “lướt phây”. Nhắc vậy để tháy sức hấp dẫn vô song của trang mạng xã hội này. Tất nhiên, trong một thời đại mà sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật luôn đem lại tiện ích cho đời sống con người thì facebook không phải là trường hợp ngoại lệ. Nó “phẳng hóa” thế giới và nối kết nhân loại lại với nhau. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Lợi bất cập hại. Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông và cả những người chơi facebook phàn nàn rằng có một số không ít facebooker đã “lợi dụng” tính phổ cập và kết nối này. Nhiều câu chuyện vừa bi vừa hài, vừa bông đùa vừa “trầm trọng hóa” những việc “không ra gì”. Vợ mới mua cho đôi giày mới, treo lên phây. Con chó kiwawa mới đẻ 4 con cũng chụp hình rồi “treo” lên phây cùng những bình luận… trời ơi. Thậm chí có nhiều người còn ngông nghênh vung tục trên phây,…Thôi thì thiên hình vạn trạng, niềm vui, sự chia sẻ mà phây mang lại cũng không sao gạn lọc hết những việc “trời ơi” ấy. Có lẽ nếu được phát ngôn thì phây sẽ nói rằng những trường hợp đó là ngoài ý muốn của phây.
Tôi là người ngại “đụng chạm” và không mấy tự tin trước đám đông nên từ chối lập phây bút dù con gái có nhã ý làm giúp ( tôi vốn dốt tin học)!. Sau nhiều lần đắn đo cuối cùng thì cũng gật đầu. Tôi đùa: “ Từ nay ba phải “dấn thân” rồi sao con?”. Nó cười cười: “Ba yên tâm, con xin giới thiệu những trang “ dễ đọc”, ba đừng lo”.
3. Một trong những trang phây – bút mà con tôi giới thiệu lại là của một chị hàng xóm. Chị vốn là một cô giáo trung học nhưng bỏ nghề đã lâu. Chị sống giản dị, lặng lẽ và khiêm nhường giữa phố phường nhộn nhịp. Gia đình tôi rất quý mến và xem chị như người thân. Nhưng điều làm tôi băn khoăn là chị vốn không vồ vập với đời sống hiện đại thì chị tạo phây – bút làm gì. Tôi tò mò thật sự. Và rồi điều làm tôi thực sự cảm mến là trang xã hội của chị là phương tiện cho chị kết nối những tấm lòng thơm thảo. Những tấm lòng biết yêu thương, sẻ chia và đùm bọc cho những mảnh đời bất hạnh. Một em bé vùng cao cần giúp chữa mắt. Vài bé khác cần giúp đỡ để còn được đến trường trong hoàn cảnh mồ côi và không nơi nương tựa. Một bà mẹ trẻ chẳng may bị bệnh trọng cần những bàn tay chia sẻ của cộng đồng,… “Cộng đồng” của chị là ai? Vài đứa học trò cũ nay đã trưởng thành và có người thành đạt dù ở xa xôi. Những người bạn cũ, mới và cả những lứa con cháu đã từng quen bết chị hay qua giới thiệu của bạn bè đã liên lạc và chung tay cùng chị. Tất cả những việc làm tốt đẹp, thái độ sống tử tế của những facebook nói trên gắn kết, chia sẻ cảm thông cho nhau phần lớn qua trang xã hội này.
Tôi là hàng xóm nhiều năm nên phần nào hiểu được hoàn cảnh gia đình chị nhưng tuyệt nhiên không đọc được dòng nào hay hình ảnh nào mà không ngoài mục đích gom góp sự thiện nguyện từ những tấm lòng thơm thảo rất trong sáng của chị. Tôi không hỏi và chị sẽ không bao giờ chịu nói về mình nhưng qua “phây” của chị tôi đã thay đổi cách nhìn ít ra là thấy tự tin hơn giữa “xã hội phây – bút”.
Tự nhủ lòng, hãy bình tâm và miễn nhiễm trước những “căn bệnh xã hội” như chị, sẽ thấy ở phây – bút ngoài những “nhộn nhịp nhân gian” còn có một góc nhỏ trong lành, bao dung và tử tế.
Dường như vừa thì thầm đâu đây một câu hát: Cúi xuống vùng non xanh mát/ và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan…(Trịnh Công Sơn)
Bùi Diệp