Văn học nghệ thuật Ninh Thuận: 40 năm một chặng đường

(NTO) Dòng Văn học nghệ thuật (VHNT) Ninh Thuận trong những ngày đầu giải phóng tỉnh năm 1975 là những bài hát cách mạng, một số bài thơ cổ động, động viên toàn dân xây dựng quê hương, tranh cổ động chào mừng đất nước thống nhất.

Lúc này, Phan Rang là tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Lâm (gồm Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng). Năm 1976, tách Lâm Đồng, sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, thêm Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải. Tỉnh lỵ đóng tại thị xã Phan Thiết.

Đồng chí Nguyễn Minh Trứ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
trao bằng khen cho các thành viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận có thành tích xuất sắc. Ảnh: V.M

Tập san đầu tiên mang tính VHNT là Sáng tác Thuận Hải in năm 1977. Năm 1982, Tỉnh ủy Thuận Hải lập Ban Vận động thành lập Hội VHNT, năm 1986, Đại hội thành lập Hội VHNT Thuận Hải. Trong phong trào chung đó, ở Ninh Thuận (khu vực Bắc Thuận Hải) đã phát triển nhiều lĩnh vực sáng tác như: văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc... các hội viên ở Ninh Thuận đóng góp vào thành tựu chung VHNT của tỉnh.

Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thời điểm này, 25 hội viên thuộc địa bàn Ninh Thuận được “bàn giao” đến Sở VH-TT Ninh Thuận.

Năm 1995, tỉnh Ninh Thuận thành lập Hội Văn nghệ Dân gian và Hội Văn hóa các Dân tộc (sau đó đổi tên thành Hội VHNT các Dân tộc thiểu số).

Năm 1996, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận lập Ban Vận động thành lập Hội VHNT, năm 1999 tiến hành Đại hội lần thứ I, Hội VHNT Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động với 102 hội viên. Đây là thời kỳ tập hợp, phát triển về số lượng hội viên và tổ chức sáng tác.

Năm 2005, Hội VHNT tỉnh tiến hành Đại hội lần thứ II, số lượng 126 hội viên.

Năm 2010, Hội VHNT tổ chức Đại hội lần thứ III, với số lượng tăng lên 162 hội viên.

Năm 2014, tỉnh cho phép sáp nhập 3 Hội: Hội VHNT, Hội Văn nghệ Dân gian và Hội VHNT các Dân tộc thiểu số tỉnh, tổ chức Đại hội lần thứ IV, đổi tên thành Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, với tổng số 200 hội viên. Trong đó, hội viên các Hội Trung ương có 1 hội viên Hội Nhà văn VN; 20 hội viên Hội Văn nghệ Dân gian VN; 20 hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN; 8 hội viên Hội Nhạc sĩ VN; 3 hội viên Hội Mỹ thuật VN; 5 hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN; 38 hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số VN, 1 hội viên Hội Điện ảnh VN; 2 hội viên Hội Nghệ sĩ Múa VN và 40 hội viên Hội Kiến trúc sư VN.

Phong trào sáng tác VHNT phát triển rộng. Các tác phẩm đều phản ánh hiện thực sinh động của công cuộc phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn tái lập tỉnh. Đề tài chiến tranh cách mạng cũng được các tác giả tập trung sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận xuất bản đều kỳ, nhiều tuyển tập văn, thơ, nhạc, ảnh nghệ thuật, mỹ thuật, nghiên cứu, phê bình văn học, sưu tầm văn hóa dân tộc có giá trị của nhiều tác giả và từng tác giả đều được in, phát hành rộng rãi.

Quá trình sáng tác VHNT, một số hội viên của tỉnh đã đạt được rất nhiều giải thưởng cấp tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, giải thưởng cấp quốc gia, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh có tác phẩm đạt giải quốc tế...

Điều quan trọng và hạnh phúc nhất của văn nghệ sĩ trong tỉnh là được “đắm mình” trong đời sống đồng bào các dân tộc, được sống và sáng tác trên quê hương, đất nước hòa bình; thể hiện nét đẹp, nỗ lực xây dựng, sự trưởng thành, phát triển và hội nhập của Ninh Thuận trong 40 năm qua. Văn nghệ sĩ xem việc sáng tác, xuất bản, phổ biến những tác phẩm của mình là công việc đáp nghĩa, đền ơn đối với quê hương đầy ắp tình người này.