Chuyện tự kể
Ngày đầu đi làm việc, mẹ tôi căn dặn: Con chú ý đừng chê ai cả, cứ khen cho người ta vừa lòng. Nhưng khổ nỗi “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” mà tôi tính cách lại thuộc khí chất “nóng” nên cứ “nói theo cách của bạn”. Ngẫm lại quãng đời đã qua có những lúc “cái miệng làm vạ cái thân” bởi không lấy “khen” làm chuẩn trong quan hệ mà lại hay “phăng” quá đà. Ví như, mới đây trời quá lạnh vợ hỏi “có nên tắm không nhỉ”, tôi phăng cái rẹt “heo còn tắm ngày ít nhất một lần nữa là…” thế là bom tấn nổ ầm ầm “ông dám nói vợ là heo hả….” rồi tặng luôn tôi đòn cấm vận toàn phần. Năm hết tết đến rồi mà khổ đơn, khổ kép vậy nên xin kể lại để ai đó có tính cách “phăng” như tôi thì ráng bỏ ngay kẻo hoạ có ngày. Thôi thì cứ khen nhau để giữ hoà khí trong ngoài bởi ai mà chẳng thích được khen, từ đứa bé mới sinh đến cụ già trăm tuổi, không tin thì quí vị cứ thử sẽ thấy hiệu quả.
Chép lại chuyện thật như đùa
Anh bạn quen lâu ngày gặp nhau hỏi: Ông có biết danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” không? Tôi bực mình: Ông đem chuyện mấy nhỏ học sinh tiểu học còn biết để hỏi tôi, xem thường nhau quá ta. Anh nhìn tôi cười nói: Con người ông chừng ấy năm tính cách vẫn vậy, để tôi kể ông nghe. Tính tôi ham học hỏi, bữa lên miền núi dự đám cưới đứa cháu nghe người ta nói có anh nông dân người dân tộc thiểu số là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” vừa được vinh danh. Thế là sau đám cưới tôi ở lại tìm học hỏi kinh nghiệm, may ra có ích cho công việc đồng áng của gia đình. Theo chỉ dẫn của bà con tôi đến rẫy của anh nhưng chỉ thấy một cái chòi nhỏ, vợ và hai con anh đang xem tivi (loại đời cũ). Biết tôi muốn gặp anh cô vợ sai ngay đứa con lớn chạy đi kêu chồng, chừng 15 phút sau anh có mặt. Hỏi thăm kinh nghiệm làm ăn, thu nhập anh cho biết: Mình có hai ha đất rẫy trồng lúa, nuôi chục con bò trừ chi phí mỗi năm lãi….hai triệu đồng. Quá bất ngờ, tôi hỏi vậy sao anh lại được vinh danh “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Anh hồn nhiên cho biết: Xã mình khó khăn lắm, bà con làm rẫy nhờ nước trời (mưa), mong đủ ăn là mừng lắm rồi, cấp trên bảo chọn giới thiệu một “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” mà cả xã chỉ có mình làm ăn có lãi. Nghe anh nói ngẫm có lý “cả xã đa số nông dân sản xuất, kinh doanh lỗ thì có lãi như anh đương nhiên là nông dân giỏi rồi”!!!
Đi tìm cái “hư ảo”
Bên lề hội thảo nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, anh bạn nói vui: “Khen thưởng là ta đi tìm cái hư ảo”. Nghe khác lạ tôi nói: Ông đưa ra khái niệm khen thưởng chẳng giống ai. Thấy vậy anh dẫn giải: Này nhé, ngày xưa anh hùng La Văn Cầu lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… là những tấm gương ai ai cũng biết, có sức lan toả mạnh mẽ trong toàn quân thúc đẩy bộ đội hăng hái thi đua giết giặc lập công, còn nay cứ đến hẹn lại lên, ai chịu khó báo cáo thành tích thì khen gì chẳng được, vậy ông thấy có hư ảo không? Tôi bỗng chột dạ: Thì ra khen thưởng huân, huy chương thì nhiều nhưng sự lan tỏa trong cộng đồng thì ngược lại, như “hư hư, thực thực”. Mới đây, cơ quan nọ rộ lên chuyện cá nhân đi vận động đồng nghiệp bỏ phiếu bình chọn khen thưởng cho mình để lại tai tiếng không hay. Thế nên “khen thưởng là tìm cái hư ảo” cũng có lý bởi vẫn còn ai đó “chạy” khen thưởng để “vinh danh mình”, cái mà mình không có thực.
Lời kết
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy nên, việc khen nhau cũng cần lựa lời để sao cho người được khen hài lòng vì họ xứng đáng. Khen thưởng thời nay cũng vậy, mục đích là tôn vinh những người có công với đất nước, có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ai đó bằng mọi thủ đoạn để được khen thưởng thì không chỉ là đi tìm cái hư ảo mà chính họ tự tạo ra vòng hào quang ảo để rồi có ngày nó tan thành mây khói!
Thanh Tâm