Từ đó, bao nhiêu sự yêu thương, cưng chiều đều dành hết cho đứa con đầu lòng. Thế là... đứa út ngày càng xa dần trong vòng tay của ba mẹ, nó thu mình trong vỏ ốc, ít nói và ít chuyện trò với mọi người hơn. Thỉnh thoảng, thấy nó ngồi lặng im một mình trong phòng và hí hoáy viết gì đó.
Ảnh minh họa.
Chị V. thở dài lật từng trang vở của con, khi hồi chiều cô giáo gọi điện nói, nên kiểm tra và nhắc nhở con làm bài tập ở nhà. Nét chữ viết ôi thôi rất xấu, ngoằn ngoèo như cua bò, gạch xóa lung tung, hầu hết bài làm đều điểm 4, điểm 5 đồng thời có thêm sự phê bình nghiêm khắc của giáo viên. Thật mắc cỡ quá! Trong khi đó, với D. (người chị đầu) thì ngược lại, học giỏi đều tất cả các môn, bao giờ cũng là điểm 10 cùng với lời khen ngợi.
Xếp quyển vở ngay ngắn vào chỗ cũ, chị cẩn thận xóa các dấu vết để con không nghĩ là mình có ý định lục lọi, phá vỡ sự riêng tư cá nhân. Nhưng thật tình cờ, chị thấy dưới hộc bàn hé ra một quyển vở toàn những vệt lem luốc, loang đầy những giọt nước... Mở ra chị thấy nét chữ cứ run run, gãy khúc, không đều, mực thì vương vãi, thấm ướt cả giấy... Cố gắng lắm chị mới đọc được:
- Cả nhà ai cũng ghét mình, coi chị Hai là nhất. Chuyện gì chị làm cũng cho là đúng, còn mình thì sai. Mình xấu, đâu phải là do lỗi của mình. Mình biết là mình không chăm học, không thông minh như chị, nhưng cũng đã cố gắng hết sức rồi, biết làm sao được!
- Mình cứng cỏi như con trai, không thùy mị như chị. Mình thích bóng rổ, không thích học đàn, chẳng lẽ là một điều xấu? Ai cũng dịu dàng với chị, còn mình thì luôn bị gắt gỏng và nộ nạt... Ba có lớn tiếng với mình thì mẹ và chị cũng phải có vài lần bênh vực chứ, đằng này... Mình cũng là con người, cũng biết vui, buồn, yêu, thương... Tuy mình không được như chị nhưng ngoài đời ai cũng nói mình là đứa nhanh nhạy, biết giúp đỡ mọi người, có đầu óc chỉ huy và có một tinh thần thép...
- Sao hôm nay mình lại tỏ ra yếu đuối thế này? Thật ra, chẳng ai hiểu mình cả, mình phải làm gì để vui lòng ba, mẹ đây? Chị Hai đúng là một hình ảnh người con gái chuẩn mực mà ba mẹ mong muốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình cũng phải giống chị. Bàn tay mỗi người đều có ngón ngắn ngón dài, ngón nào cũng là một phần của thân thể, đều quan trọng như nhau, điều này ba mẹ có thấu hiểu?...
- Con cảm thấy cô đơn và lẻ loi ngay trong chính ngôi nhà của mình quá mẹ ơi!
***
Chị càng đọc, trái tim của chị cứ rung lên từng hồi, nếu hôm nay không thấy những dòng nhật ký này, chắc chị không hề nghĩ tới tâm trạng u uất bao lâu nay của con mình. Có lẽ thời gian qua, con rất cô đơn và con luôn cố gắng để trở thành người tốt trong mắt mọi người, nhưng chưa đủ sức để vượt qua được, trong khi đó ai cũng quay lưng lại với con, càng khiến con thêm bơ vơ, buồn tủi, phải vậy không?
- Mẹ xin lỗi con nhé! Khi bị chỉ trích, ai chẳng bực mình phải không con? Người lớn còn không tránh khỏi sự tổn thương, huống hồ con chỉ là một cô bé mới lớn, đang tuổi dậy thì. Mẹ sẽ nói chuyện với ba và chị, sẽ quan tâm, khuyến khích và nhìn nhận ưu điểm của con. Mẹ tin con sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt, gia đình sẽ mang đến cho con cảm giác bình yên và thoải mái hơn, con nhé! Chị tự nhủ thầm với lòng mình như thế!
***
Qua câu chuyện này, điều mà các bậc cha mẹ cần lưu ý đó là, hãy lắng nghe con trẻ khi chúng cần biểu lộ sự ước muốn; nên tìm hiểu những khó khăn mà chúng đang đối mặt; chậm xét đoán và trách mắng khi sự việc chưa rõ ràng, cụ thể; thật tâm trong sự tán thành và khen ngợi đúng lúc để động viên tinh thần chúng... Đó chính là thể hiện sự quan tâm và luôn gần gũi với con trẻ. Cha mẹ nên đưa ra lời khuyên, đừng áp đặt hoặc ra lệnh bắt con phải làm theo ý mình. Từ đó, con sẽ cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh Cha Mẹ trong những lúc vui, hay lúc buồn cũng như những lúc thực sự khó khăn, cần đến vòng tay yêu thương, che chở của gia đình
Thùy Trang