Chuyện về “sếp” của những người “thích đùa”

(NTO) Nhóm chúng tôi có người công tác ở cơ quan nhà nước, có người là doanh nhân, nghệ nhân… nhưng tựu trung đều thích chuyện phiếm. Sau mỗi tuần làm việc, nhóm những người “thích đùa” gặp nhau xem ai có “tác phẩm” gì mới trình làng rồi cùng bình phẩm. Lần gặp mặt mới đây chúng tôi bàn chủ đề “sếp”. Xin kể góp vui để mọi người bình xét, ai đó có nhu cầu mời tham gia nhóm cho đông vui.

1. Anh bạn làm cơ quan nhà nước bao giờ cũng là người giới thiệu “tác phẩm” trước nhóm đầu tiên. Có lẽ bởi anh có nhiều trải nghiệm trong quan hệ xã hội. Câu chuyện của anh “Làm thủ trưởng vất vả thật”. Mới nghe tên chuyện, anh bạn nghệ nhân ngồi bên he hé cười, lẩm bẩm “sếp” mà … nghe hơi lạ!? Không để ý, anh kể một mạch: Thằng bạn tớ làm “sếp” tưởng sướng ai dè khổ hơn tớ nhiều. Nào hết giờ làm việc còn ở cơ quan, ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật chẳng mấy khi được nghỉ trọn ngày, đi du lịch cùng bạn bè thì lo xử lý công việc online đến 24 giờ mới nghỉ…Mình nói: Ông vi phạm qui định về thời giờ làm việc có biết không? ông làm vậy anh em cơ quan ông cũng khổ!? Chọc hắn bực, ai dè hắn điềm tĩnh nói: Biết vậy, nhưng mọi người cơ quan tôi đều đồng tình, muốn có thu nhập khá thì phải chạy đua với thời gian, mình là lãnh đạo phải lo cái chung cơ quan, phải gương mẫu, có vậy nói anh em người ta mới nghe. Kể xong chuyện bạn mình, hắn chốt luôn “thuyền to thì sóng to”.!

2. Nghe xong, anh bạn doanh nhân lên tiếng, “sếp” cũng có ba bảy đường, như bạn cậu thời nay hơi hiếm đấy. Rồi hắn góp vui: “sếp” chỗ tớ khác, đầu giờ đến cơ quan, xem qua công việc, cho ý kiến sếp phó, ký văn bản cần thiết, đi họp, tiếp khách, chơi thể thao…Có lần sếp đang vui, tớ nói vui với sếp: Làm “sếp trưởng” như anh mới đúng là sếp, phong thái tao nhã, hoà hoa. “Sếp” tớ gật gù: Trưởng phải thế chứ, ông bà ta nói “một người lo bằng kho người làm”, mình phân công cho phó làm để nay mai phó đủ sức thay mình chứ. Nghe đến đây anh bạn nghệ nhân tán thưởng: Hay, thế mới là “sếp”. Chỉ có điều năm nay “sếp” trưởng mới 43 tuổi!?

3. Đến lượt anh bạn nghệ nhân trình bày tác phẩm “sếp”, gãi tai một hồi anh lúng búng, mình nghệ nhân làm việc theo cảm hứng nghệ thuật làm gì có sếp… rồi như bừng tỉnh anh nói: Chuyện “sếp” của tớ các cậu nghe đừng có nhớ. Chẳng là mình vốn tâm hồn “nghệ sĩ”, có tác phẩm cho “đời” là quí rồi, tiền bạc chỉ là thứ “phù du”. Vừa rồi mới cho ra tác phẩm “non bộ” theo kiến trúc phong thuỷ cho nhà ở một thương gia thành phố. Nhận tiền công hơn 20 chục triệu, có thằng bạn cùng đi lính thưở nào, con nó bị bệnh tim bẩm sinh tớ cho hắn mượn hết. Về nhà vợ nó hỏi: Đi làm cả tháng tiền công đâu? Biết nói gì đây khi nhà mình cũng đang cần tiền cho các con vào học năm mới. Mình giả bộ chửi đổng: Cái thằng nhà giàu, làm xong không trả tiền ngay mà hẹn tháng sau trả. Tưởng kế hoãn binh thành công, ai dè con vợ mình biết hết, nó réo rắt: Chồng ơi là chồng, thân để trong nhà, tiền để ở đâu, hay giao cho “hàng xóm” rồi… Chẳng là những lúc tớ đưa tiền, vợ cứ ngọt như mía lùi “sếp” ngoan lắm, “sếp” giỏi lắm. Vậy nên giá tớ ước ngày nào mình cũng là “sếp”!!!

Cụ Azit Nexin, nhà văn viết truyện hài nổi tiếng của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, nếu còn sống biết đâu lại kết nạp chúng tôi vào hội những người “thích đùa” của đất nước cụ. Nói vậy thôi, cuộc sống đã quá vất vả, nếu mỗi chúng ta biết chia sẻ cùng nhau những chuyện vui, nỗi buồn để giúp nhau vững bước trên đường đời thì thật đáng quí, đáng trân trọng biết bao.