Cảm ơn “Ổi thơm của bà”

(NTO) Tôi vẫn thường đọc thơ thiếu nhi vì thích những hình ảnh, ý nghĩ ngộ nghĩnh, vui vui, trẻ thơ của nó. Nhưng đôi khi bất chợt gặp bài thơ lạ lạ, đọc xong rồi đọc lại, thấy thú vị rồi ngỡ ngàng. Như bài thơ ỔI THƠM CỦA BÀ vừa đăng Ninh Thuận Cuối tuần (ngày 31-5-2014) nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Ổi thơm ở tận nơi nào

Bà tôi bày mẹt ai vào đây mua!

Bà ngồi bên giậu tre thưa

Bao nhiêu là nắng buổi trưa ghé vào.

Nguyễn Thị Bình Trâm (Lớp 10B-THPT Chu Văn An -PRTC)

Bài thơ gợi cho tôi nhớ quê nhà quá đi, bởi những hình ảnh thân quen chưa phai nhòa trong tâm trí. Bà tôi, hàng giậu tre , cái mẹt, trái ổi, và cả cái nắng trưa... Đó là thôn quê, nơi đứa con của người nông dân một nắng hai sương sinh ra, lớn lên, sống êm ả với hương đồng gió nội đầy hạnh phúc. Còn phải nói hơn nữa, chỉ được sinh ra ở thôn quê mới có được trọn vẹn thời thơ ấu. Bây giờ đau đáu, liệu những miền quê có còn nguyên vẹn với tốc độ đô thị hóa tràn lan nay mai, còn đâu hồn nhiên, vô tư nhất của trẻ thơ. Mà đấy là hạnh phúc tuyệt vời nhất của một đời người.

Ổi thơm ở tận nơi nào

Câu thơ mở hay mùi ổi thơm dắt tôi về miền quê thơ ấu? Mùi ổi khắp nơi , trong vườn, trong rẩy, trước ngõ , sau nhà, ngạt ngào, quyến rũ, tôi khó cưỡng lại lòng mình chạy về với nó. Nhưng chạy đến, những trái ổi đã nằm trong cái mẹt của bà, bên hàng rào tre thưa, nắng xuyên qua lốm đốm. Xưa, có những quả ổi cho con cháu, có những quả ổi bà bày bán để kiếm chút tiền mua cau trầu hay quà cho lũ trẻ. Bà bày bán mẹt ổi cũng hồn nhiên như trẻ con bày bán giả bộ với nhau, không so đo, tính toán thiệt hơn gì cả. Bán không hết thì bà gọi lũ trẻ lại cho hết. Có để lại cũng hư thôi mà. Nhưng về đêm, ổi chín thơm nức nhà, đang ngủ tôi phải chồm dậy, lén lén tìm lấy một quả ngấu nghiến ngon lành.

Nhưng bây giờ không phải là đêm mà là một buổi trưa. Quê tôi mỗi năm thiếu mưa thừa nắng, tất nhiên buổi trưa thì nắng chang chang, có khi như thiêu như đốt. Bà ngồi bên hàng giậu vừa tránh nắng vừa có chút gió mát, hoặc phe phẩy cái quạt mo, quạt lá. Hình ảnh bà tôi, mẹ tôi giản dị, chân quê thân thương biết bao và không làm sao quên được, càng đứng tuổi càng nhớ sâu hơn.

Bà tôi vẫn ngồi đó khi chúng tôi đi đâu vắng. Mà cũng có thể đã đi xa lăng lắc, như tôi khi mười lăm tuổi. Chắc bà khó tránh khỏi đôi lúc thấy buồn, một mình lẩm bẩm không biết chúng nó đi đâu cả , ngồi cả buổi không đứa nào ghé thăm bà. Mong có chúng ghé cho vui cái bụng, có cần chúng nó mua ổi, mua quả gì đâu. Mà có thèm thì bà cho nè. Mẹ tôi rất giống bà tôi như vậy, gánh cây quả vườn nhà ra chợ, mẹ vừa bán vừa thêm. Cho nên cả xóm, cả chợ ai cũng quen mẹ, đi đâu cũng có người gọi lại nói chuyện , hỏi thăm. Bây giờ, sau khi mẹ tôi mất, nhiều người gặp chị em tôi đều hỏi thăm mẹ tôi. Con tôi lớn lên chưa sống bên bà để cảm nhận hạnh phúc như tôi.

Điệu lục bát cũng nhẹ nhàng, thân thương như lời ru của bà, của mẹ. Lại ngắn như ca dao. Đọc vài lần tôi đã thuộc. Dòng thứ tư kết lại bài thơ, thường là hết. Nhưng lạ quá, nó lại mở ra, như là bắt đầu một hình ảnh mới.

Bao nhiêu là nắng buổi trưa ghé vào

Bao nhiêu là nắng, không phải là lũ trẻ chúng tôi ghé vào đấy chứ? Này là lúc chúng nó đi vắng cả rồi, bà buồn rồi bà lại vui; vui vì hi vọng chúng sắp đến, lại lao xao, cười nói, đùa vui. Lũ trẻ cũng như nắng , hanh hao mà tươi mát, hồn nhiên và vô tư. Cô bé tác giả thương bà lắm, nhìn bà nhiều hôm ngồi bên mẹt ổi chỉ để ủ cho thật chín niềm thương bà, rồi sẽ nói với bà như an ủi khi bà ngồi một mình. Không dám nói bằng lời , cô nhớ lời ru của bà, nhớ ca dao của mẹ, rồi cô viết. Cô an ủi bà đấy , bà có nghe không nhỉ? Bà chờ đợi lũ trẻ lâu quá, thấy buồn phải không? Nắng ơi giúp mình với. Thế là cô bé đã huy động cả nắng trời ghé đến với bà. Bà vui chưa? Không có buồn nữa bà nhé. Tôi ước gì tôi biết cách an ủi bà tôi, mẹ tôi như cô bé này. Hình như cô bé có biệt tài như ông bụt trong cổ tích hay phù thủy Harry Potter.

Thế là tôi bắt đầu, quay ngược lại bài thơ. Tôi gặp lần nữa mùi ổi chín ngạt ngào đâu đó.