TRUYỆN NGẮN:

Nơi đó quê nhà

(NTO) Cơn mưa chiều đột ngột giam chân cô gái khá lâu ở hiệu sách cũ. Cô rời thư viện trường đại học khá sớm. Tính tạt ngang khu chợ cóc mua vài thứ rau quả gì đó cho bữa cơm chiều nhưng giờ đành giam chân nơi đây.

Cơn mưa vẫn chưa có dấu hiệu nguôi ngoai. Thôi thì tận dụng thời gian để ngắm sách. Chỉ dám ngắm thôi chứ không dám đụng vào vì túi lép. Bỗng mắt cô dừng lại rất lâu trước bộ “Ván bài lật ngửa”. Rồi như bị thôi miên, cô đưa tay lên kệ và nhón nhén lấy từng quyển xem đi xem lại. Đắn đo mãi lại đặt chúng vào chỗ cũ. Rồi lại nhìn say mê. Đó là bộ sách mà tuổi đời của nó lớn hơn cô ít nhất năm lần sinh nhật. Nghe ba cô kể, thời ông là sinh viên, bộ sách ấy vừa ra đời và được đón nhận như một bestseller. Cô lại mỉm cười, không biết thời ấy cô còn mãi rong chơi ở tận đâu đâu. Gặp bộ “Ván bài lật ngửa” làm cô nhớ đến một người.

* * *

Những con chữ, trang giấy vàng mũn màu bã mía, màu rạ rơm ngày xưa ấy vẫn mê hoặc không ít người trong đó có ông, một nhà báo, nhà văn lão thành. Vì sao sau chừng ấy năm nó vẫn được đôi tay già nua trân trọng lật khẽ khàng từng trang, từng trang. Những ngón tay già nua ấy kia tìm gì sau trang sách. Sau trang sách, sau con chữ là những gì mà có sức mê hoặc một ông già đã ngoại bát tuần từng ngày, từng ngày như vậy? Cô nhớ có lần ông kể rằng thời trai trẻ ông rất mê đọc sách. Ngày đó ông thích nhất là bộ Tam quốc chí và Thủy hử. Xa nhà, theo kháng chiến, tập kết ra Bắc ông cũng lén đem theo những bộ sách ấy. Sau này, về già ông đâm mê “thằng cha” Nguyễn Thành Luân, nhân vật chính của Ván bài lật ngửa.

- Ông tìm cái gì trong ấy, thưa ông?

Ông già từ tốn vừa gấp sách vừa cười xòa trước câu hỏi hồn nhiên của cô cháu gái. Cô biết ông vì ông và ba cô là đôi bạn vong niên.

- Thế, cháu nghĩ ta tìm gì trong ấy?

- Một thời trai trẻ hào sảng của ông? Những khát vọng và niềm tự hào của một người đã trọn đời sống cho lý tưởng? Hay vì…

- Cháu nói cái nào cũng đúng nhưng chưa đủ. Ta đang tìm về kỷ niệm. Cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đã cho chúng ta quá nhiều kỷ niệm. Mỗi ngày đi qua. Mỗi miền quê đi qua. Mỗi tên sông tên núi. Mỗi phố gần làng xa. Hơn một nửa đời người theo tiếng gọi non sông với ta giờ đã là kỷ niệm. Cháu biết không, những ngày tháng chiến tranh người ta không đủ thời gian cho nhau. Cái gì cũng vội. Học hành, ăn ngủ, ân nghĩa, yêu thương, hạnh phúc, buồn đau,… Có lúc ta có cảm giác thời gian là thứ gì đó quá phù phiếm. Chỉ khi nào ta được sống cho riêng mình lúc ấy ta mới thực sự cảm nhận được gương mặt thời gian và ta mới bình tâm để tìm lại mình qua trang sách chẳng hạn, nếu như đó là hạnh phúc. Ngay cả chính ta, lúc này đây đã là kỷ niệm. Hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc có khi chỉ là kỷ niệm.

Nhà văn già vừa trò chuyện với cô gái vừa mơ màng xa xăm. Hình như cô nhìn thấy đi qua đôi mắt già nua rất nhiều hình ảnh, âm thanh, những cơn mưa rừng ầm ào như xối nước, những cơn dông sấm chớp sáng lòa, rồi tiếng súng, tiếng máy bay gầm rú, tiếng nhiều người gọi nhau, tiếng bước chân, và những vườn đào miền Bắc, những rừng mai vàng miền Nam,… Và rồi một sớm mùa xuân người con đi xa đã trở về. Ông nhà văn trung niên bồi hồi đứng dưới rặng tre bên bờ sông Dinh. Trời ơi, quê nhà đây mà. Hơn nửa đời theo tiếng gọi non sông…

Cô gái thần tượng ông cụ nhà văn từ đó. Từ câu chuyện ông gửi trả lại nhà nước ngôi nhà ngay giữa phố phường Hà Nội, “tiêu chuẩn chỗ ở” của một nhà báo có thâm niên . Ngay sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, rời Hà Nội phồn hoa ông đưa vợ con về lại quê nhà. Hỏi sau này ông có tiếc nuối với quyết định của mình không. Ông cười,... Trong hành lý hồi hương, ông không có nhiều thứ, chỉ nhiều sách, trong đó có những tác phẩm của mình. Trong số những tác phẩm của ông cô thích nhất là tập truyện ngắn “Đường về”. Ở đó là những câu chuyện rất gần với đời sống, trong nó là những bài hoan ca cho ngày “đất nước trọn niềm vui”, là những bồi hồi của người con xa xứ trong lần trở lại quê nhà, là những câu chuyện gia đình, từng phận người với những niềm vui, niềm mơ ước, cả những băn khoăn và tiềng thở dài. Có lần cô hỏi là sao ông không ở lại Hà Nội công tác. Ông cười bảo theo cách mạng đi kháng chiến thì xa quê, chứ xong việc rồi thì về quê mình vẫn thích hơn chứ. Ai đâu nỡ xa quê!

* * *

Ai đâu nỡ xa quê! Câu nói của ông cụ nhà văn cứ xói mãi lòng cô. Cô đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ. Biết cô nghiên cứu chuyên ngành sinh học, ông cụ rất vui và khuyến khích thật nhiều. Cụ bảo tỉnh ta hiện giờ rất cần phát triển nông - ngư nghiệp theo hướng chuyên canh và áp dụng khoa học kỹ thuật. Lớp trẻ như các cháu có trình độ khoa học sẽ giúp ích được nhiều cho bà con nông dân. Cụ lại bảo nếu tay không run nhất định cụ sẽ viết một bài báo về cô, một thạc sĩ trẻ trung và năng động. Hai ông cháu cùng cười. Có lẽ ông vui thật sự. Cô thấy được điều đó khi nhìn vào đôi mắt già nua ánh lên niềm vui, niềm phấn khích đầy tin cậy nhưng rất đỗi bao dung.

Câu chuyện về cụ già viết văn làm báo, như những mảnh ghép thi thoảng lại lắp vào đầu cô. Những suy nghĩ của ông hiếm gặp ở một người già; thực tế, chân thành, không triết luận và đôi khi rất hồn nhiên. Ông hồn nhiên như là hiển nhiên cuộc đời vốn vậy. Không đắn đo, mặc cả, băn khoăn.

Hôm rồi ba cô nhắn tin bảo ông cụ bị ốm. Cô rất muốn về thăm ông. Quà biếu ông cô nghĩ không gì quý hơn bộ tiểu thuyết “Ván bài lật ngữa” để thay vào bộ sách đã quá cũ nát ông đang vẫn đọc hàng ngày.

Mưa bắt đầu nhẹ hạt. Nhìn bộ sách đầy tiếc nuối nhưng cô đành rời hiệu sách…

Lúc cô loay hoay dắt xe xuống lề đường thì một bàn tay vội vàng níu vai cô. Ông chủ hiệu sách đưa bọc ni lon trong có mấy quyển sách.

- Bác nhầm người chăng?

- Đây là bộ Ván bài lật ngữa cô cần.

- Nhưng cháu chưa…

- Xem như tôi tặng cô.

Rồi cô định giải thích điều gì nhưng ông chủ hiệu sách bảo là ông có thể hiểu là cô muốn có nó để làm quà tặng cho một người đáng quý.

Trong màn mưa rây rây, cô vừa nhìn thấy ông cụ thong dong dạo bước giữa phố nhà.