Đến với bài thơ hay: Diêm của nhà thơ Vũ Quần Phương

Diêm

Que diêm sống
Khi đang chết
 

Nằm trong hộp tối bao nhiêu ngày
chỉ để một phút giây
bừng sáng
 

Ánh sáng đang ở đâu ?
 

Không ở gỗ
Không ở chất diêm sinh
mà ở phút giây rùng mình
va chạm

Vũ Quần Phương

Một que diêm hay một hộp diêm đi nữa thì có gì mà thành thơ ? Ấy vậy mà với một nhà thơ lớn thì đã trở thành thơ, hơn thế nữa còn là một triết luận về lẽ đời, sống chết.

Bài thơ chỉ có hai khổ thơ, ở giữa là một câu hỏi bắc cầu cho khổ thơ thứ hai

Bí quyết để có bài thơ Diêm nằm ở “phút rùng mình va chạm”. Rõ ràng sự va chạm để tạo ra phút giây bừng sáng và nhà thơ đã chộp lấy để cấu tứ nên bài thơ. Cái mà nhà văn Ma Văn Kháng đã có hẳn một tập tiểu luận, ký sự có tựa đề Phút giây huyền diệu được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2013. Bằng rất nhiều dẫn dụ khi tiếp xúc và làm việc với các nhà thơ, nhà văn lớn, nhà văn Ma Văn Kháng đã đúc rút:…“Rất nhiều nhà văn, nhà thơ ở nước ta đã bắt đầu và sau đó hình thành tác phẩm của mình bằng những tia chớp ngẫu sự nọ”.

Vâng ! Phút rùng mình va chạm chính là cảm xúc làm nên sự bừng sáng của que diêm.

Bài thơ ngắn gọn không những chặt chẽ về cấu trúc mà ý tình cũng rất sâu xa. Cầm que diêm trên tay bất chợt tạo đề tài cho nhà thơ, rõ ràng “nhân gặp mà được đề” rồi từ cầm que diêm để quẹt, sự va chạm làm cho que diêm bừng sáng gây cảm hứng cho nhà thơ, cái đó gọi là “nhân đề mà được tình, rồi từ nhân tình mà được ý ”, nhà thơ đã lập ý “ que diêm sống khi đang chết” nghe đơn giản mà thật sâu xa vì nó không chỉ là chuyện que diêm mà là chuyện con người, chuyện cuộc đời; chuyện về cái lẽ sống chết…Sống nhiều, sống ít không quan trọng mà quan trọng hơn cả là sự tỏa sáng, có ích cho đời…

Cuối cùng nói đến “nhân ý mà được lời”. Lời bài thơ rất ngắn gọn, đơn giản, không cầu kỳ, ai đọc cũng có thể hiểu được, vậy mà ý tứ sâu xa của bài thơ thì thật đáng nể

Qua bài thơ Diêm của nhà thơ Vũ Quần Phương tôi lại nhận ra thông thường những tác giả lớn họ thường đi vào những đề tài nhỏ, ngược lại có những bài thơ tựa đề rất lớn mà không nói được điều gì lớn lao, thậm chí nhạt thếch, sáo mòn...

Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 4/2014