La Chữ: Xa và nhớ

(NTO) Làng La Chữ cách xóm tôi chừng bốn, năm cây số. Nhưng với những ngày của tuổi thơ tôi, khi một gia đình có được cái xe đạp không gạt, không tay thắng cũng được xem là khá giả, thì khoảng cách ấy không phải quá gần cho những cuộc đi về… Đôi lần theo gia đình đi công chuyện ở Phước Hữu, Phước Thái,… tôi cũng chỉ hình dung về La Chữ qua cái chỉ tay của mọi người. Vì từ phía đường cái, La Chữ nằm sâu vào trong bởi một con đường nhánh dẫn thẳng lên miệt Nhị Hà, Phước Hà …

Rồi lớn lên, vào cấp ba, tôi được gia đình “chuyển giao” cho chiếc xe đạp cũ để đi học. Vì cả huyện lúc bấy giờ vẫn chỉ có một trường cấp ba nên tôi có rất nhiều bạn. Tôi từ đó cũng có nhiều cơ hội hơn để đi chơi với chiếc xe cũ kĩ của mình. Và tôi đến La Chữ…

Một góc đình làng La Chữ ngày nay. Ảnh: Sơn Ngọc

Nối dài từ khu làng Mông Nhuận về phía Tây, La Chữ nằm vắt vẻo giữa một cánh đồng rộng dài tít tắp đến Hậu Sanh và triền núi phía trên. Buổi sáng ở La Chữ, tôi có thể nghe mùi hương đồng sau một đêm ủ sương. Trưa gió tứ phía lồng lộng. Chiều trở nhẹ, mái lúa xanh rì lả lả đuổi nhau về cuối chân mây. Là dân quê, không quá lạ, nhưng tôi vẫn thích rong ruổi trên những con đường đất đầy nắng, và bóng cây. Tôi thích đạp xe qua khúc đồng hai bên là vườn nho xanh lá, tôi thích lội bộ vào rẫy dưa.. Và tôi vẫn thích cái cảm giác lâng lâng gió lộng giữa đồng không mông quạnh thế này… Đôi lúc ngẫu hứng, tôi và mấy bạn đuổi nhau đạp xe lên tận chân núi, miệt Nhị Hà I, Nhị Hà II,…

La Chữ cũng rất đẹp vào những đêm trăng. Sân làng những đêm trăng mùa khô loang loáng, sáng như gương soi. Đôi ba lần tôi lại được ngắm trăng qua ô cửa sổ trong căn nhà vách đất ấm cúng của gia đình người bạn thân giữa những ngày đông. Chén nước trà dảo vẫn đủ ấm nóng một quãng ký ức, cho đến tận giờ…

Tôi nhớ có những ngày mưa, nước tràn loang loáng, biến những con đường nhỏ đầy cát dẫn làng ra phía rẫy thành những con mương nhỏ. Tê tê lạnh bàn chân mấy bận ngược xuôi cũng khắc đậm kỷ niệm cho kẻ đôi ba lần ghé thăm đúng dịp…

Không đủ đầy như vùng trũng nơi hạ lưu, không thiếu hụt như những vùng khô xứ nóng khác, La Chữ được cái may tiếp giáp trực tiếp với nguồn nước của cả vùng, nên quanh năm đất đỡ phần cằn cỗi. Người La Chữ cũng rất giỏi làm đồng. Bạn tôi từ những ngày cấp một, cấp hai đã biết cầm cuốc ra rẫy, xới cỏ đánh hàng như lão nông chuyên nghiệp. Trai gái đều có thể cầm gàu tát nước hay điều khiển máy bơm. Ruộng vườn La Chữ dẻo thơm bùn đất một phần cũng nhờ đôi tay cần cù cày sâu cuốc xới.

Rồi lớn lên chút nữa, tôi vào đại học. Năm đôi ba bận về thăm nhà cũng thi thoảng ghé lại La Chữ thăm bạn. Nhưng rồi cũng thưa dần, thưa dần… Cho đến lúc tôi được phân công quay lại nơi này để tìm hiểu và viết bài về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi bắt đầu hiểu về La Chữ nhiều hơn, tôi bắt gặp nhiều mối quan hệ thân thuộc hơn, như chính lịch sử của cái tên và mảnh đất này…Những người con ở vùng đất La Chữ mới dường như cũng trở nên hào kiệt và kiên cường hơn. Lịch sử mảnh đất Ninh Thuận anh hùng chứa chan những trang hào hùng về vùng đất tiếp giáp với chiến khu CK7 này.

Rồi theo thời gian, những lần quay lại La Chữ của tôi cũng dần thưa thớt đi. Nhưng cái tên La Chữ với những dáng người, tình người thì vẫn in đậm. Những người bạn tôi đã có, những người thân quen tôi từng gặp cũng vẫn dành cho tôi một góc nhớ nhung trong đời họ. Tôi hiểu, không đâu hết, chính “chất đất” đã định ra “chất người”!

Thực lòng, giờ thì đã quá xa, xa lắm cái mảnh đất gắn bó bao kỷ niệm ấy. Nhưng tôi vẫn luôn bồi hồi nhớ về La Chữ - nơi tôi đã từng đến…và qua....