Viết ngắn:

Kênh mương tuổi thơ

(NTO) Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy (Trích Nhớ con sông quê hương-Tế Hanh) Bầy chim non bơi lội trên sông Tôi giơ tay ôm nước vào lòng Sông mở nước ôm tôi vào dạ.

Chẳng biết cảm nhận và thẩm thấu tới đâu vậy mà hắn cứ gật gà gật gù, khoái chí nghĩ rằng đó là những câu thơ mà Tế Hanh dành cho mình. Hắn tự hào là đứa con được sinh ra ở vùng quê nhỏ, thời đó hồn nhiên, tự do rong chơi.

Tuổi thơ hồn nhiên nô đùa trên dòng kênh quê nhà. Ảnh: Sơn Ngọc

Con kênh quê hắn là một đoạn chạy ngang qua của kênh Bắc, nó uốn lượn mềm mại theo hình vòng cung. Nhà hắn ngay sát kênh, không biết con kênh này có từ lúc nào, chỉ biết rằng nó lớn hơn hắn rất nhiều tuổi, đó chính là nơi ba mẹ hắn thường hẹn hò, và sản phẩm cho tình yêu ngọt ngào ấy chính là “hắn”.

Đối với hắn, tắm mương “phê” nhất là giữa trưa, khi mà ai cũng tìm cho mình một góc để ngả lưng, thì chúng bạn của hắn lại nhè lúc đó mà ra tắm. Đứa biết bơi, đứa không biết thì ở trên bờ cổ vũ, chúng thách đấu với nhau, những trận đấu thắng để làm vua của con kênh ngày hôm đó. Đôi khi, nhiều đứa uống nước sặc sụa, rồi cùng nhau cười sằng sặc, thật khoái chí. Sự thiếu thốn luôn tạo cho con người những sáng tạo không ngờ, đỉnh cao là sáng chế phao tắm của trẻ thơ (cột 2 đầu ống quần lại, úp xuống nước 2 “cái phao” nổi bồng bềnh trên nước), hắn tự hào với “phát minh” của mình, nhờ vậy mà có thể giúp những đứa không biết bơi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chiều về, hắn lại cùng đám bạn cứ tụm năm, tụm bảy nhảy ùm xuống dòng nước mát lạnh, rồi cùng nhau chơi trò đuổi bắt. Dòng nước mát rượi, những bọt nước bắn tung toé, rồi những lúc dỗi hờn, những giọt nước trở thành những “ vũ khí” để bọn hắn "trả thù" nhau.

Bài hát “Đường và chân” là đôi bạn thân mà hắn thường hay hát nay được hắn biến tấu thành “ Hắn và con kênh” là đôi bạn thân, chẳng biết tác giả bài hát nghe được có phạt hắn vì tội “đạo nhạc” không? Trừ những lúc ở trường, về nhà hắn nuốt vội chén cơm rồi vội vội vàng vàng, chạy ra “đảo mộng mơ” của hắn. Ở đó, có kênh chạy ngang qua, sát mép hắn mắc cái võng trên 2 cây dừa, kẽo cà trên chiếc võng giữa trưa nắng, hắn “nhâm nhi” mấy bài hát, trước mắt hắn là cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn, xa tít đằng kia có thêm dãy núi nhấp nhô. Được ở chốn này, hắn cứ ngỡ như mình đang ở chốn “bồng lai tiên cảnh” và những giấc mơ cứ miên man theo hắn. Những trưa hè, giữa tiếng võng kẽo cà, tiếng ve râm ran, hoà quyện nghe rất vui tai, hắn cứ ngỡ đâu mình đang được ở trong một rạp hát tráng lệ, thưởng thức giàn nhạc giao hưởng với những bản nhạc du dương.

Ngày ấy, xóm hắn chưa có nước máy như bây giờ, nhà nhà đều sử dụng nước kênh mương đó mà thôi. Ngày ngày, các chị em lại rủ nhau, ra mương, gánh ba bốn đôi nước về. Từng quang gánh nặng trĩu, thế nhưng các chị vẫn tủm tỉm cười. Ba hắn vẫn thường bảo rằng: “Ngày xưa tao quen mẹ mày cũng nhờ con kênh ấy”. Đó là nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp đôi đang yêu, cũng chính là nơi để gặp gỡ, tìm một nửa kia cho mình. Bố hắn bảo, ngày ấy, thanh niên trong xóm cứ "canh me", chờ những cô nàng xuống kênh lấy nước, các chàng trai đem những đôi gánh của cô gái mình thích giấu đi “làm tin”, thế rồi tình yêu nảy nở trong trái tim của họ”. Vừa nghe, hắn thích thú “ Ôi, tình yêu ngày xưa đẹp nhỉ”.

Ngày nay, kênh mương khoác trên mình bộ áo mới “tráng lệ” hơn, những bùn đất ngày trước được thay mới bằng bê tông. Giờ đây, hắn cũng đã đủ lớn để nhận ra rằng chính dòng kênh đó, đã tưới mát cho mấy chục ha cánh đồng lúa quê, những con kênh được bê tông hoá, thuận lợi hơn cho việc tưới tiêu của bà con mình, 100% người dân đều sử dụng nước máy để sinh hoạt vì nó hợp vệ sinh hơn.

Xa rồi hình ảnh cậu bé, cô bé thi nhau nhảy xuống kênh, giờ đây nó chỉ là một nét cong, lượn lờ trên bức tranh của hắn …Xa rồi…!