Nhà thơ Tế Hanh và bài thơ về Anh hùng Pinăng Tắc

(NTO) Văn nghệ sĩ, phóng viên viết văn, viết báo trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Ninh Thuận đã góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất Bắc Nam, giang sơn thu về một mối.

Đó là tiếng nói nghệ thuật, báo chí của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, phóng viên tham gia cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc, lên tiếng tố cáo tội ác của kẻ thù, viết ca ngợi về nhân dân Ninh Thuận anh hùng. Và một trong những anh hùng nổi tiếng là Pinăng Tắc, người con ưu tú dân tộc Raglai, được nhà thơ nổi tiếng Tế Hanh ca ngợi.

Pinăng Tắc được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân tháng 5 năm 1965, do lập nhiều chiến công vang dội trong chống Pháp và chống Mỹ. Nhất là chỉ huy phá khu tập trung gom dân Bà Râu, Tầm Ngân đầu năm 1959, đưa đồng bào về núi rừng kháng chiến và tổ chức trận đánh bằng bẫy đá tại xã Phước Bình, Bác Ái năm 1961. Đối với Tế Hanh, ông sinh năm 1921 tại Quảng Ngãi, là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, sau Cách mạng Tháng 8, tham gia hoạt động cách mạng và sáng tác thơ. Năm 1996, Tế Hanh được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I. Ông mất năm 2009 tại Hà Nội.

Nhà thơ Tế Hanh viết bài thơ “Gửi Đồng chí Pinăng Tắc” tháng 6 năm 1965, đúng 1 tháng sau khi Pinăng Tắc được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân. Bài thơ của nhà thơ tài năng, đã khắc họa trọn vẹn, cô đúc tình hình đồng bào miền núi Ninh Thuận và con người Pinăng Tắc trong kháng chiến.

Mở đầu, nhà thơ viết về không khí miền núi Bác Ái xây dựng căn cứ kháng chiến:

Mười lăm năm trước đây

Tôi đi qua Ninh Thuận

Bác Ái cam rụng đầy

Những buôn không, nhà trống

Nhân dân vào rừng sâu

Xây chiến khu chống giặc

Lúc ấy anh ở đâu

Hỡi anh Pinăng Tắc?

Anh cùng với đồng bào

Vót chông phòng giặc đến

Hay anh lên rẫy cao

Tỉa ngô và trồng sắn?

Khi Tế Hanh ở chiến trường Ninh Thuận, ông cảm nhận được sự chất phác, hiền hậu “Như hoa rừng nước suối”, cả sự chịu gian khổ lạt muối, đói cơm của đồng bào, và tiếc nuối “sao không được gặp Pinăng Tắc?”:

Tôi gặp bao tâm hồn

Như hoa rừng nước suối

Cải tàu bay thay cơm

Chia nhau từng hạt muối

Sao tôi không gặp anh

Hỡi anh Pinăng Tắc?

Hay tôi đã gặp anh

Mà tôi không hay biết?

Nỗi nhớ đất, nhớ người da diết trong tâm hồn nhà thơ, từ đó bật ra những câu chan chứa tình yêu:

Tập kết ra miền Bắc

Tính đã mười một năm

Tấm lòng nhớ Ninh Thuận

Trong nỗi nhớ miền Nam

Bỗng tin Đài Phát thanh

Anh hùng quân Giải phóng

Tôi nghe có tên anh

Một người con Ninh Thuận

Hỡi người lão đồng chí.

Đúng như thế, Tế Hanh nhớ đất rừng Bác Ái, nhớ đồng bào miền núi kiên trung, nhớ “lão đồng chí” Pinăng Tắc:

Hai mươi năm kiên cường

Chống Pháp rồi chống Mỹ

Nửa mái đầu pha sương

Ba năm nuôi cán bộ

Từng hạt gạo để dành

Sáu tháng gây cơ sở

Ăn toàn lá cây xanh

Cho đến ngày quê anh

Vang lên trong cách mạng

Giặc đến vỡ tan tành

Tàu bay vào trúng đạn

Người Chu, người Raglai

Hát bài ca đoàn kết

Buôn rẫy cam trĩu đầy

Sắn ngô cùng xanh biếc…

Một bài thơ mà chất chứa mênh mông tình, lại ngợi ca: “Ba năm nuôi cán bộ. Từng hạt gạo để dành. Sáu tháng gây cơ sở. Ăn toàn lá cây xanh”. Dù ở xa, nhà thơ vẫn diễn tả đúng tinh thần đoàn kết, chịu hy sinh, chịu thiếu thốn của đồng bào Bác Ái để dành những gì tốt nhất để nuôi cán bộ cách mạng.

Và cuối bài thơ, thật xúc động, dù chưa gặp lần nào, nhưng Tế Hanh vẫn “gặp” người anh hùng Pinăng Tắc cùng sự vĩ đại của quê hương Pinăng Tắc trong sự vĩ đại của cả miền Nam anh hùng:

Tôi đã gặp anh rồi

Hỡi người con Bác Ái

Cả quê anh sục sôi

Giữa miền Nam vĩ đại…

Thế đấy, một hiện thực Ninh Thuận sinh động, một nhân vật anh hùng điển hình đã được một nhà thơ tài năng, chỉ với tấm lòng chân thật thôi, đã khắc họa trong một bài thơ, làm lay động lòng người mấy mươi năm qua.