Tâm huyết hướng về quê hương Ninh Thuận

Hướng về kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/4/2021); giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021); Báo Ninh Thuận ghi lại các ý kiến tâm huyết thể hiện tình cảm và niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với những thành tựu đổi mới, phát triển của quê hương cũng như những kỳ vọng về sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới.

* Bà Hoàng Thị Út Lan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh:

Sau 29 năm tái lập tỉnh, chúng ta càng tự hào và khẳng định nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ đã đồng tâm hiệp lực, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng tỉnh nhà vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là niềm tự hào đáng được ghi nhận. Nhìn lại chặng đường 29 năm vào tháng 4-1992, thời điểm tái lập tỉnh, Ninh Thuận là vùng đất khô hạn nhất nước, thiếu đội ngũ cán bộ, nghèo phương tiện kỹ thuật và kết cấu hạ tầng. Nhưng được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn giúp tỉnh ta triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư về kinh tế, phúc lợi xã hội. Đồng thời với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chủ động sáng tạo thi đua lao động sản xuất của các tầng lớp Nhân dân đã tạo nên một diện mạo mới như ngày nay. Trong đó có dấu ấn vai trò tập thể UBND tỉnh qua các nhiệm kỳ với nhiều dự án phát huy hiệu quả đầu tư như tuyến đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Quảng trường 16 Tháng 4, Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Đập hạ lưu Sông Dinh...

Hôm nay được nhìn thấy những thành quả sau 46 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận và 29 năm tái lập tỉnh, tôi thật sự rất vui, khâm phục và tự hào về thế hệ trẻ hôm nay. Phát huy truyền thống quê hương, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng nhiều công trình, dự án ích nước lợi dân mà những người đi trước mới làm được phần nền móng. Tôi càng tự hào và tin tưởng đội ngũ cán bộ hiện nay, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên trung và tinh thần đoàn kết tập trung xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, tạo được niềm tin vững chắc trong Nhân dân. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thực tâm, thực lực đầu tư, tạo động lực đưa tỉnh Ninh Thuận phát triển vươn lên tầm cao mới trong thập niên mới của năm đầu 2021.

* Ông Trương Nghiệp Vũ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đặc biệt là mừng kỷ niệm 29 năm tái lập tỉnh, vào những ngày này, trong lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hoạt động. Bấy giờ dù cơ sở làm việc tạm bợ, tổ chức cơ quan chưa ổn định nhưng trong không khí hồ hởi, phấn khởi, bằng thái độ chân tình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên tục tổ chức những cuộc gặp gỡ tọa đàm với cán bộ hưu trí cao cấp, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, những người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc trong tỉnh về hiến kế xây dựng quê hương. Đó là thời điểm mà mọi cán bộ trong cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều nhiệt tình công tác, bất chấp khó khăn, thiếu thốn về nhân sự, điều kiện làm việc và nơi sinh hoạt.

Sau 29 năm, bây giờ nhìn lại thấy bộ mặt tỉnh nhà đã khác hẳn so với hồi tỉnh mới tái lập đi vào hoạt động. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có nhà cửa xây mới, đường phố mở rộng và đẹp hơn, hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều đang tạo tiền đề cho thành phố và cả tỉnh phát triển, vươn lên sánh vai với các tỉnh bạn. Gần đây với các công trình điện gió, điện mặt trời, điện khí - cảng nước sâu Cà Ná, dự án du lịch, mới nhất là công trình thủy lợi hồ Tân Mỹ, vị thế tỉnh nhà được nâng lên và được giới truyền thông thường xuyên nhắc tới. Sản xuất nông nghiệp thì tận dụng lợi thế nắng và gió, ứng dụng công nghệ cao chuyển đổi nhiều cây trồng mới như: măng tây, dưa lưới... Để có được thành tựu to lớn này, theo tôi, đó là nhờ toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đoàn kết trên dưới một lòng, hiệp lực xây dựng quê hương. Nhớ về những kỷ niệm cũ, tôi mong bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong 29 năm qua của tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát huy, vận dụng, nhằm tạo sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội; bên cạnh đó chú ý đào tạo nguồn nhân lực (có trí tuệ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm) để phục vụ cho mục tiêu đột phá kinh tế, xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp và văn minh.

* Ông Văn Công An, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh:

Ngay từ những ngày đầu giải phóng Ninh Thuận, tôi và một số đồng đội từ chiến khu trở về cùng Ủy ban Quân quản Phan Rang, tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Tròn 46 năm qua là một quảng thời gian không nhiều so với chiều dài lịch sử nhưng đây là thời gian của nhiều thế hệ con người chung tay làm bộ mặt quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Đặc biệt sự kiện tái lập tỉnh Ninh Thuận đã tạo động lực tinh thần cho đội ngũ cán bộ và Nhân dân địa phương phấn khởi vươn lên xây dựng tỉnh nhà khởi sắc.

Nhìn lại thời điểm tái lập tỉnh cho thấy buổi đầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, nguồn thu ngân sách thấp, cơ sở trường, lớp thiếu thốn, cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc men và nghèo thiết bị, kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thấp kém. Trong 29 năm qua, Đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội đã đề ra nghị quyết lãnh đạo tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững. Các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án được Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư cho Ninh Thuận xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống trường học, cơ sở y tế, điện lưới và nhiều công trình phúc lợi xã hội. Đặc biệt là hệ thống thủy lợi với nhiều hồ, đập có sức chứa lớn như Tân Mỹ, Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang... cùng với hệ thống thủy lợi Đa Nhim bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nước sinh hoạt của Nhân dân. Tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp có thực lực tài chính mạnh đã đầu tư khai thác tiềm năng lợi thế, gần đây xây dựng nhiều dự án năng lượng tái tạo đưa vào hoạt động, góp phần bảo đảm năng lượng cho đất nước. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao tạo nên sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế. Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều em tốt nghiệp đại học tiếp tục học lên cao học đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho địa phương. Nguồn thu ngân sách trong năm đầu tái lập tỉnh chưa tới 30 tỷ đồng nay đã tăng lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2020.

Tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh hiện nay chú trọng mời gọi các nhà đầu tư thật sự có tiềm năng, tránh tình trạng mua bán, sang nhượng dự án. Phòng, chống hiệu quả căn bệnh tham ô, lãng phí, sách nhiễu Nhân dân của đội ngũ cán bộ các cấp, lưu ý cấp cơ sở. Từ kết quả thành tựu qua 46 năm giải phóng quê hương, đặc biệt 29 năm tái lập tỉnh, tôi tin tưởng đội ngũ cán bộ đương nhiệm phát huy trí tuệ tập thể đoàn kết tiếp tục lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển giàu mạnh.

* Ông Phạm Hoàng, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản:

Đã 29 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ bối cảnh tỉnh nhà vào tháng 4-1992. Ngày ấy được phân công về tỉnh Ninh Thuận, nói thật ban đầu chúng tôi không hào hứng lắm vì là tỉnh mới nên khó khăn đủ bề, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ còn mới mẻ. Văn phòng Sở Thủy sản ban đầu đóng tạm ở một ngôi nhà nằm trên đường Ngô Quyền (lúc đó còn là thị xã Phan Rang - Tháp Chàm), mọi người phải tận dụng bàn, ghế làm chỗ nghỉ trưa. Nhưng rồi chúng tôi động viên nhau khắc phục, vạch ra chiến lược, chương trình hành động quyết tâm đưa ngành Thủy sản phát triển. Vượt qua giai đoạn khó khăn đó, vài năm sau các sở, ngành, cơ quan tỉnh đều được xây dựng trụ sở làm việc khang trang, riêng Sở Thủy sản có trụ sở tọa lạc trên đường 16 Tháng 4.

Bắt đầu từ giai đoạn này, kinh tế - xã hội tỉnh ta từng bước phát triển và ngày càng có những bứt phá đáng ghi nhận. Bộ mặt tỉnh nhà từ nông thôn đến đô thị đều thay đổi lớn, mang diện mạo mới, có sức bật mới, đời sống người dân có cải thiện hơn. Hàng loạt công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, trong đó hạ tầng ngành Thủy sản có các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và bến cá Mỹ Tân đủ sức tiếp nhận hàng ngàn lượt tàu cá ra vào thuận lợi. Một số công trình hạ tầng khác đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung giống thủy sản tại An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải), vùng nuôi tôm thương phẩm Đầm Nại, Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam) và An Hải. Với hàng loạt công trình hạ tầng được xây dựng, phát triển đã tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ những thành quả trên, với chủ trương của tỉnh đầu tư phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, thủy lợi, kinh tế biển (trong đó có thủy sản), tôi tin rằng trong giai đoạn mới, vị thế của tỉnh ta sẽ ngày càng được nâng lên, sánh vai với các tỉnh phát triển mạnh trong khu vực và cả nước.