Quê hương, hai tiếng thân thương - Đây không chỉ là nơi để nhớ, để thương, mà còn là nơi để những người xa quê cùng hướng về. Dù sinh sống ở đâu nhưng những người con quê hương Ninh Thuận vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà. Sâu thẳm trong tâm hồn, họ luôn hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn” và mong muốn được đóng góp cho quê hương.
Sau 44 năm thành lập, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Thuận trở thành mái nhà ấm áp, gắn kết tình cảm quê hương của những người con Ninh Thuận đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Bằng tấm chân tình hướng về quê hương, thời gian qua, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình. Điều đó được chứng minh bằng việc đóng góp xây dựng nhà tình thương, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, trao học bổng, tặng quà cho gia đình khó khăn... với kinh phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Ban Liên lạc vận động, hỗ trợ bà con ở quê hương hơn 2 tỷ đồng.
Không chỉ giúp đỡ người Ninh Thuận đang sinh sống tại địa phương mà Ban Liên lạc còn quan tâm, hỗ trợ cả những đồng hương ở mọi miền Tổ quốc khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Thông qua Câu lạc bộ Y, bác sĩ đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc đã kết nối, hỗ trợ chi phí điều trị, khám và phẫu thuật miễn phí gần 100 bệnh nhân đồng hương gặp khó khăn khi nhập viện tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Ban Liên lạc trở thành đầu mối quan trọng kết nối giao lưu thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Thuận. Thông qua “kênh” này, trong năm 2020, Ban Liên lạc phối hợp với Hội Doanh nhân Ninh Thuận giải cứu thành công 20 tấn dưa hấu giúp bà con; chia sẻ thông tin về quê hương lên các website, mạng xã hội,... góp phần quảng bá hình ảnh của Ninh Thuận đến với mọi người.
Anh Trần Như Khải, Phó Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh, bày tỏ: Mặc dù sống xa quê hương nhưng những người con “xứ nắng” luôn dõi theo và vui mừng trước những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua; tin tưởng kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng với những kỳ vọng của Nhân dân trong tỉnh và bà con xa xứ. Thời gian tới, anh đang lên kế hoạch phối hợp, kết nối xây dựng 2 thư viện tại trường học thuộc vùng khó khăn ở quê nhà với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Với những hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về quê nhà, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Thuận luôn được người dân và lãnh đạo địa phương ghi nhận. Nhưng có lẽ đối với những người xa quê, phần thưởng quý giá nhất là lan tỏa yêu thương, được giúp đỡ, sẻ chia với bà con ở quê nhà khó khăn trong cuộc sống.
Mỗi người con xa quê có một cách thức khác nhau để hướng về quê cha, đất tổ. Với anh Nguyễn Tiến Lợi, sinh ra ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) dù sinh sống tại nước ngoài nhiều năm, nhưng vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam; vẫn luôn đau đáu, dõi mắt về quê hương bằng cả tấm lòng. Hơn 33 năm xa quê nhưng hình ảnh về những chùm nho sai trĩu, căng mọng; những cung đường no gió và đầy nắng hay vẻ hoang sơ, bình dị của những miền quê Ninh Thuận vẫn hằn in trong tim anh. Thay niềm nhung nhớ, anh đã dành tình cảm, tâm sức đóng góp vật chất, gửi gắm yêu thương về quê hương với cả tấm lòng. Nghĩ là làm, hơn chục năm qua, cứ vào dịp tết Dương lịch anh lại về thăm quê nhà và hành trang mang theo là 200 chiếc xe đạp dành cho các em học sinh còn khó khăn không có phương tiện đến trường cùng 1.000 phần quà dành cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh chia sẻ: Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người. Vì vậy, tôi muốn sẻ chia, giúp đỡ những người kém may mắn để họ có động lực vươn lên. Đó cũng là thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên anh đành lỡ hẹn với quê nhà. Không về được nhưng anh cùng gia đình vận động bạn bè, người thân hỗ trợ hơn 1.000 suất quà gửi về cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Chính bởi tấm lòng thơm thảo của anh giúp nhiều gia đình có cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.
Không chỉ kiều bào, là những người xa quê thành đạt, mà đáng trân quý hơn cả là nhiều bạn trẻ đang học tập, làm việc ở tỉnh, thành phố khác vẫn thầm lặng hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn” bằng cách riêng của mình. Mặc dù mới ra trường, cuộc sống chưa ổn định nhưng Nguyễn Thị Ngọc Hồng luôn trăn trở, đồng cảm với sự khó khăn thiếu thốn của những người yếu thế ở quê nhà. Với mong muốn tiếp thêm nghị lực, hướng người nghèo vươn tới tương lai tốt đẹp hơn, Hồng thành lập nhóm “Dấu chân kết nối” gồm 40 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành phố cùng chung đam mê thực hiện các dự án cộng đồng thiện nguyện. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau hơn 4 năm hoạt động, ngoài các chương trình thiện nguyện tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, trại trẻ mồ côi, các cơ sở cưu mang người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm của Hồng đã thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa. Mặc dù sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng Hồng thường xuyên làm “cầu nối” các nhà hảo tâm với hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. Ý tưởng đầy nhân văn của nhóm đã lan tỏa, chạm đến trái tim của nhiều mạnh thường quân cùng chung tay giúp những mảnh đời bất hạnh, xóa dần mặc cảm để vươn lên, có niềm tin vào cuộc sống. Đến nay đã hai năm liên tục, Hồng đều đứng ra vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình Tết yêu thương tại quê hương Ninh Thuận. Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng đó chính là tấm chân tình em muốn gửi đến bà con ở quê nhà. Riêng trong dịp Tết vừa qua, em cũng đã vận động được 120 suất quà cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Mặc dù ở nơi đâu, địa vị nào nhưng ở họ - những người con Ninh Thuận xa quê vẫn luôn ở trong tâm khảm, để rồi luôn khao khát được trở về, được yêu thương, sẻ chia.
Duy Nam