Tự hào Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Một tháng Tư nữa lại về trên vùng đất nắng Ninh Thuận đầy chiến công lịch sử. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình độc lập, tỉnh ta đang vươn mình đi lên trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để có được như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến thế hệ cha anh đi trước đã đổ xương máu ở chiến trường, đã có biết bao Mẹ Việt Nam đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu. Sự hy sinh to lớn và thầm lặng của các Mẹ để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Ngày đó, tỉnh ta là một trong những chiến trường ác liệt của cực Nam Trung Bộ. Trong những năm tháng hào hùng, quân và dân Ninh Thuận đã lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần tô thắm những trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Trong cái nắng tháng Tư, chúng tôi ghé thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Thiệt ở xã Lương Sơn (Ninh Sơn), dù tuổi đã cao nhưng khi trò chuyện mẹ vẫn ân cần và minh mẫn. Mẹ kể, năm 1965, chồng của mẹ hoạt động cách mạng tham gia đội du kích địa phương, 3 năm sau trong một đợt càn của địch, ông đã anh dũng hy sinh, để lại mẹ và 6 người con thơ. Tiếp bước cha, người con thứ 2 của mẹ là anh Trần Huyến xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc, đến năm 1972 mẹ nhận hung tin con trai đã hy sinh trong lúc chiến đấu. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng mẹ vẫn ủng hộ cách mạng và tin tưởng sẽ sớm có ngày quê hương được giải phóng. Năm 2015, mẹ nhận được tin vui đã tìm thấy nơi anh Trần Huyến hy sinh, mẹ xúc động nhớ lại: Nhìn những kỷ vật mà con mang theo khi chiến đấu, tôi không thể nào cầm lòng được, hình ảnh của con như mới ngày hôm qua, con ra đi khi chưa kịp chứng kiến quê hương thống nhất... Nói đến đây, những giọt nước mắt dâng trào lăn dài trên nếp nhăn gò má của mẹ. Chồng và con trai mẹ đã ra đi mãi mãi, nhưng sự hy sinh của các anh đã đem lại vinh quang cho Tổ quốc, cuộc sống hòa bình cho thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (tháng 8-2020). Ảnh: Nguyễn Trung

Chia tay Mẹ Thiệt, chúng tôi tìm về thăm Mẹ Lê Thị Hự ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná (Thuận Nam) để nghe mẹ kể về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của mẹ, của chồng và các con. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sau khi lập gia đình mẹ sinh được 4 người con (3 trai và 1 gái). Năm 1966 chồng và con trai đầu của mẹ đã anh dũng hy sinh. Nén thương đau, mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng và giáo dục động viên các con phát huy truyền thống đấu tranh của cha anh. Hai người con trai còn lại của mẹ lại lần lượt hy sinh: Ông Nguyễn Sơn hy sinh lúc 20 tuổi và ông Nguyễn Lâm hy sinh khi mới tròn 18 tuổi. Mẹ Hự chia sẻ: Lúc bấy giờ chiến tranh ác liệt lắm, có hàng triệu người hy sinh. Có những gia đình hy sinh không còn một ai, so với những khó khăn, gian khổ mà đất nước mình đã trải qua thì sự đóng góp của gia đình mẹ chỉ là một phần nhỏ thôi.

Sự hy sinh của những người mẹ cho Tổ quốc là quá lớn lao, không có gì sánh được. Trong công cuộc đổi mới của đất nước, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 517 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả các mẹ đều được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo đúng quy định. Công tác chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng cũng được các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Chính quyền thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn luôn quan tâm đến Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Thiệt có cuộc sống ổn định, tinh thần, sức khỏe tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Những năm qua Sở phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt chăm lo, quan tâm, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng luôn được đơn vị thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực. Những việc làm ý nghĩa đã phần nào bù đắp đau thương, mất mát, giúp các Mẹ Việt Nam anh hùng có cuộc sống ổn định, tinh thần, sức khỏe tốt hơn.

Những ngày tháng Tư lịch sử, nhớ về cội nguồn, về những ký ức hào hùng, nhớ về những truyền thống bất khuất và cả những mất mát, hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh. Lòng tự hào, biết ơn xen lẫn những cảm xúc bồi hồi. Đi dưới bầu trời xanh, những làn gió thổi nhẹ, bên tai tôi văng vẳng câu hát trong ca khúc Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về, mình mẹ lặng yên... càng tự hào về Mẹ Việt Nam anh hùng.