Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở

(NTO) Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh ta nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển mạng lưới ở cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 13.807 lượt phụ nữ được khám thai; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 99,8% (tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014), tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 97,3 % (tăng 0,6%) và tổ chức khám phụ khoa cho 16.477 lượt người (tăng 0,2%). Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai đồng bộ và toàn diện tại các địa phương, trong đó ưu tiên can thiệp tư vấn, thăm hộ gia đình và theo dõi trẻ suy dinh dưỡng hàng tháng ở vùng miền núi, vùng khó khăn.

Trung tâm Chăm sóc SKSS tổ chức tập huấn về người đỡ đẻ có kỹ năng
và quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh cho cán bộ cơ sở.

Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho cán bộ cung cấp dịch vụ tại cơ sở, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ ở cơ sở. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức tập huấn về người đỡ đẻ có kỹ năng và quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh cho 100 bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi tuyến xã thuộc 6 huyện; tổ chức giám sát hỗ trợ về công tác làm mẹ an toàn, các quy trình kỹ thuật trong dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại 12 xã trên địa bàn huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Tp. Phan Rang Tháp Chàm; tổ chức giám sát lồng ghép nuôi con bằng sữa mẹ, thực hành dinh dưỡng, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng bằng thực phẩm cao năng lượng tại 9 xã thuộc huyện Bác Ái…Tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả như: Cô đỡ thôn, đội chuyển tuyến dựa vào cộng đồng, duy trì sinh hoạt câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thai, câu lạc bộ nuôi con bằng sữa mẹ…

Bác sỹ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh cho biết: Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác chăm sóc SKSS tại tuyến cơ sở ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng phụ nữ tại các xã miền núi đẻ tại nhà. Hiện nay, còn 5 trạm y tế chưa đặt được dụng cụ tử cung, có 9 trạm y tế chưa triển khai nghiệm pháp Acid acetic để phát hiện sớm tế bào bất thường cổ tử cung... Trước những tồn tại đó, Trung tâm phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, hướng dẫn cơ sở thực hiện quản lý thai nghén, khám thai đúng kỳ đúng quy định, đảm bảo cho bà mẹ được chăm sóc toàn diện ngay từ khi mang thai và đẻ được an toàn. Đối với các xã miền núi, ưu tiên triển khai các dịch vụ đến tận các thôn, như: khám thai, tiêm ngừa thai phụ, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà, tư vấn và vận động phụ nữ có thai khám thai và sinh tại cơ sở y tế. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp các tổ chức đoàn thể, tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn về công tác chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, phối hợp với Chi cục Dân số triển khai chiến dịch lồng ghép chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 15 xã vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát hỗ trợ tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ.