An toàn lao động cần được chú trọng

(NTO) Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng trên 37.200 lao động. Trong đó chủ yếu lao động trên các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, dịch vụ và khai khoáng. Mặc dù công tác đảm bảo an toàn lao động đang ngày càng được các cấp, ngành quan tâm, nhưng tình trạng mất an toàn vẫn còn diễn ra, rình rập nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với người lao động.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở Đô Vinh là thợ xây dựng thi công công trình trên tầng cao tại phường Mỹ Bình, nhưng không có phương tiện bảo hộ lao động, cho biết: Chúng tôi được thuê làm công nhật, nên tự mua sắm dụng cụ hành nghề và trang bị bảo hộ lao động, chủ yếu đội mũ vải che nắng còn mũ bảo hộ đội không quen, khó chịu, lại tốn kém thêm.

Thi công công trình trên cao vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Tại công trình này, nhiều lao động khác cũng có tâm lý chủ quan không chấp hành quy định về an toàn lao động khi thi công tại các công trình cao tầng, không đeo găng tay, mũ, giày, dây an toàn. Trong khi đó, thực tế tai nạn lao động luôn rình rập công nhân tại các công trường. Theo biện minh của đơn vị sử dụng lao động, do thực hiện công đoạn khoán nên nhiều lao động được thuê có tính thời vụ, chưa tổ chức tập huấn an toàn lao động, cũng như trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân được.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn, thương tích đối với người lao động, làm chết 2 người, 4 người bị thương. Nếu so với cùng kỳ năm 2014 thì số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn lao động không tăng. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại đó là những vụ tai nạn lao động đã xảy ra nhưng không được khai báo cụ thể. Đơn cử như mới đây, tại Cầu An Đông đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm một công nhân tử vong. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Vinh, (SN 1980, quê Tuy Phước, Bình Định) làm trưởng nhóm kích kéo thuộc Công ty Cổ phần 796. Trong quá trình tháo lắp dầm đúc cầu, do thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật khiến dây cáp bị đứt, anh Vinh rơi xuống nền bị cây sắt đập tiếp vào ngực. Thương tích quá nặng, khiến anh tử vong trên đường chuyển đi cấp cứu. Tuy nhiên, hiện vụ việc này vẫn chưa được “cập nhật” trong số vụ tai nạn lao động đầu năm 2015(!). Trong khi đó, phần lớn số vụ tai nạn lao động được khai báo chủ yếu vẫn do tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển đến nơi làm việc, hoặc sau khi đi làm về.

Theo đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp, đơn vị khi có xảy ra tai nạn lao động không khai báo với ngành. Có trường hợp xảy ra tai nạn, chủ và người lao động tự xử lý, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục.

Qua thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là do người lao động bất cẩn, không tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn lao động, chủ sử dụng lao động không có các biện pháp giám sát, đảm bảo an toàn. Một số ngành nghề xây dựng, cơ khí, khai khoáng… tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, nhưng lực lượng lao động chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức lẫn ý thức về an toàn lao động. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý, hạn chế mua sắm trang thiết bị bảo hộ dẫn đến tình trạng công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ, không giám sát chặt chẽ trong thi công, dẫn đến tai nạn.

Nhằm nâng cao ý thức đảm bảo an toàn lao động, thời gian qua tỉnh ta đã triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thi, hội thao; đồng thời tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh an toàn lao động-phòng chống cháy nổ trên 160 cơ sở, doanh nghiệp; đo và giám sát môi trường lao động 533 đơn vị, cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra, đã phát hiện, lập biên bản nêu những thiếu sót, tồn tại cũng như kiến nghị doanh nghiệp tổ chức khắc phục; xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp, phạt tiền 51 triệu đồng. Các doanh nghiệp cũng đã tổ chức 66 cuộc thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân và người lao động bị tai nạn; mở 42 lớp huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho 1.853 công nhân, cán bộ, người sử dụng lao động.

Thiết nghĩ, để giảm thiểu tai nạn lao động, cần nhất vẫn phải làm tốt công tác phòng ngừa. Trong đó, người lao động phải được tập huấn công tác đảm bảo an toàn, các doanh nghiêp phải tổ chức bộ phận vệ sinh an toàn lao động, hướng dẫn và kiểm tra quá trình thực hiện an toàn lao động. Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, thực hiện thường xuyên việc thanh, kiểm tra để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động. Lâu dài, cần có chính sách tăng cường nhân lực và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra lao động tại cơ sở để làm tốt hơn công tác đảm bảo an toàn, giảm thiếu tai nạn lao động.