Huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các chính sách, chương trình giảm nghèo, phong trào hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, tạo điều kiện giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh giao cho các sở, ngành và địa phương để tổ chức thực hiện 7 dự án thành phần, trong đó có một số dự án như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đến nay đã đầu tư 29 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nước sinh hoạt tại huyện Bác Ái và xã bãi ngang Phước Dinh (Thuận Nam). Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất với 77 dự án, mô hình với 680 hộ tham gia. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đã hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với 67 phương án đa dạng hóa sinh kế nuôi bò, dê sinh sản. Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng 139 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái...

Nông dân huyện Bác Ái phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh Kha Hân

Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG giảm nghèo, đến nay, toàn tỉnh còn 7.874 hộ nghèo, chiếm 4,21% so số hộ toàn tỉnh; hộ cận nghèo còn 8.620 hộ, chiếm 4,61% so số hộ toàn tỉnh. Đối với huyện Bác Ái, số hộ nghèo còn 2.328 hộ, chiếm 28,45% (giảm 6,35% so với năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt 32,4 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Để đẩy mạnh huy động các nguồn lực, đổi mới phương thức, cách thức thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 1,5-2%, riêng huyện miền núi Bác Ái giảm ít nhất 4%. Trong năm 2024, tỉnh giao nguồn vốn trên 776,9 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển hơn 447,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 329,7 tỷ đồng) từ ba chương trình MTQG để triển khai công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình, tỉnh đã lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác để thực hiện, nâng tổng vốn thực hiện trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm nay lên trên 4.574 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn được phân bổ, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải ngân, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các dự án, tiểu dự án thành phần các chương trình MTQG. Trong đó, trọng tâm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường huy động tối đa nguồn lực từ các cấp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn. Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh tập trung hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững để hạn chế các hộ tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Để triển khai thực hiệu quả chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền về các chính sách, chương trình giảm nghèo, về các gương điển hình làm kinh giỏi, vươn lên thoát nghèo và tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác giảm nghèo để học tập nhân rộng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế; tạo kết nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp và hộ nghèo để nhận đỡ đầu, động viên, giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.