Phòng chống say nắng và say sóng

(NTO) Ninh Thuận hiện đang trong mùa nắng bức, không mưa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 32 độ C–36 độ C, khiến cho những người làm việc ngoài trời, những nơi có nhiệt độ cao mà không thông thoáng rất dễ bị say nắng, say nóng… Và nếu không biết phòng ngừa, say nóng mà không biết sơ cấp cứu cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi nhiệt độ bên ngoài lên đến 32oC–36oC, gần bằng nhiệt độ cơ thể 37oC, thì vấn đề tỏa nhiệt của cơ thể rất khó khăn. Nếu ta lại “dang người” dưới ánh nắng, làm cơ thể hấp thu thêm nhiệt độ từ tia nắng sẽ làm thân nhiệt càng tăng cao, có thể đưa đến một trong 2 tình huống:

1/ Say nắng: Đang lao động ngoài trời bỗng thấy nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn nao buồn ói, bủn rủn tay chân, người nóng bừng, mồ hôi vả ra như tắm, khát nước nhiều, thoáng ngất, có khi ngã quỵ tại chỗ.

Sơ cứu: Nhanh chóng đưa nạn nhân vào trong bóng mát, tránh tụ tập đông người, nới rộng áo quần, quạt mát liên tục, dùng khăn ướt lau khắp người, thay khăn khi kiệt nước, đồng thời cho uống nước từ từ, liên tục, nếu có thể cho uống dung dịch ORESOL hoặc nước pha muối đường (1lít nước pha 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng canh đường) thì tốt hơn.

2/ Say nóng: Đang lao động thấy người nóng bừng, ngất, có thể ói mửa, co giật. Da nóng rực, đỏ, khô, không có mồ hôi, thân nhiệt có thể lên đến trên 40oC–42oC, mạch nhanh, đánh trống ngực.

Cấp cứu: Đưa nạn nhân nhanh chóng vào trong bóng mát, nơi thông thoáng, tránh tụ tập đông người, quạt mát liên tục, dùng khăn ướt lau khắp người, thay khăn khi khô với mục đích hạ thân nhiệt xuống thật nhanh và cho uống nước từ từ, liên tục như các loại nước nêu trên nếu có thể uống được và có thể cho uống thêm Paracetamol 15mg/kg. Nếu nạn nhân vẫn còn hôn mê thì lau mát. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngừng thở phải hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực vừa chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sơ y tế gần nhất. Tuyệt đối không cắt lể, cạo gió gây thêm tổn thương cho nạn nhân

3/ Phòng ngừa:

- Cần sắp xếp công việc làm ngoài trời trước, khi nắng nóng lên nên chuyển sang làm việc khác trong nhà; nơi làm việc có nhiệt độ cao phải được thông gió để tránh tích nhiệt.

- Nên mặc đồ che kín thân thể (đồ vải dễ hút ẩm), đội mũ rộng vành (mũ tai bèo, nón lá) để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào đầu, vào vùng sau gáy sẽ rất dễ bị say nắng, say nóng;

- Không mắc đồ ngắn, ở trần làm việc dưới nắng với lý do trời nóng; nghịch lý là trời càng nóng nếu mặc đồ (vải) kín thì khi mồ hôi tiết ra sẽ tạo môi trường mát, dễ chịu hơn là “phơi trần” dưới nắng, việc phơi trần làm da bị cháy nắng gây bỏng rát còn có nguy cơ ung thư da sau này;

- Uống nhiều nước chín để nguội, có thể pha thêm tí muối để bù lượng muối mất qua mồ hôi chống được mệt mỏi và chuột rút; uống ít một, uống thường xuyên hơn để dễ chịu và nước hấp thu tốt hơn. Nhu cầu khoảng 2,5lít/ người lớn hoặc nhiều hơn tùy theo công việc lao động.

- Không được xối nước lên người khi còn ướt mồ hôi;

- Ngừng tay và vào chỗ mát nghỉ ngay khi có triệu chứng mệt, hoa mắt, nhức đầu, nôn nao vì có thể là “tiền triệu chứng” của say nắng, say nóng;

- Trẻ em đang mùa nghỉ hè cần trông nom không để trẻ chạy chơi đầu trần ngoài nắng, việc phơi nắng trên biển cũng không nên quá lâu phòng say nắng cho trẻ.