Diện mạo mới trên vùng “lá chắn thép” năm xưa

(NTO) Đã 38 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, “lá chắn thép” Phan Rang (gắn với địa danh Du Long) ngày ấy và huyện Thuận Bắc bây giờ đang bừng lên một sức sống mới. Kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm khang trang; những cánh đồng lúa, ruộng ngô, bãi mía xanh ngát một màu là minh chứng cho sự phát triển đi lên của một vùng đất anh hùng.

Được biết đến như một nhân chứng “sống”, ông Lê Đức Ánh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Công Hải nhớ về vùng đất Du Long một thời: “Vùng này vốn là nơi địch lập ra tuyến phòng thủ từ xa hòng ngăn chặn thế tiến công của quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Dưới sức mạnh của quân và dân ta, “lá chắn thép” bị đánh bật.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Thanh

Dọc tuyến đường từ Công Hải chạy vào đến Kiền Kiền bấy giờ chi chít dây thép gai, hầm hố, cây cối, nhà cửa sặc mùi khói thuốc súng. Sau 38 năm quê hương yên bình, bộ mặt huyện nhà có nhiều đổi khác. Những tòa nhà lớn ở trung tâm huyện lỵ mọc lên, cuộc sống của người dân cơ bản ổn định. Chứng kiến sự đổi mới của quê hương, thế hệ chúng tôi thấy vui và tự hào”.

Diện mạo mới của huyện Thuận Bắc được đánh dấu bằng bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Nếu như trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp dựa vào nước trời, bà con canh tác theo tập quán sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, đời sống bấp bênh, cái đói, cái nghèo vây bám. Các công trình thủy lợi được xây dựng phục vụ nước tưới cho cho khoảng 10.000 ha đất canh tác, trong đó có hơn 3.200 ha chủ động nước, sản lượng trung bình trên 30.000 tấn/năm, đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Thuận Bắc đang tập trung phát triển về lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Với “điểm trắng” về công nghiệp, thì hiện nay, ngành này đã chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Khu công nghiệp Du Long, Nhà máy xi măng Luks, Nhà máy gạch tuy-nen, Nhà máy chế biến phân bón hữu cơ… đang hoạt động đã tạo nên một diện mạo mới về công nghiệp cho Thuận Bắc. Thêm vào đó, nhiều dự án đã khởi công như Trạm cung ứng nhiên liệu Cửu Long, Nhà máy chế biến Rau câu Sơn Hải, nhà máy cấp nước các khu du lịch phía Bắc của tỉnh; lĩnh vực khai thác khoáng sản, điện gió... góp phần quan trọng mở ra hướng mới cho ngành công nghiệp của huyện phát triển.

Hồ chứa nước Bà Râu (Thuận Bắc). Ảnh: Thanh Long

Việc khôi phục làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tại 2 xã Phước Chiến và Công Hải đang được triển khai. Hiện đã có sản phẩm mẫu trưng bày nhằm phục vụ cho du khách và nhu cầu của nhân dân. Thương mại-dịch vụ-du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt 23,5%, chiếm tỷ trọng 15,9%. Nhiều hộ cá thể đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, đến nay đã có 490 hộ đăng ký, với tổng vốn trên 24 tỷ đồng. Các điểm du lịch được hình thành như: Bình Tiên, hồ Sông Trâu, suối Kiền Kiền, suối Tiên. Dự án khu du lịch sinh thái Resort Ganesa cũng vừa được khởi công sẽ tạo bước phát triển quan trọng cho ngành du lịch huyện nhà.

Kinh tế phát triển, bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc. Mạng lưới giáo dục, y tế đáp ứng nhu cầu nhân dân; văn hóa truyền thống được khôi phục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, từ 46% (năm 2005) xuống còn 18% (năm 2012).

Phát huy hiệu quả tưới công trình thủy lợi Sông Trâu giúp nông dân xã Công Hải thâm canh lúa đạt năng suất 65-70 tạ/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: “Thuận Bắc đang phấn đấu xây dựng huyện trở thành khu kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2011-2015). Trong đó, tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Về kinh tế, ưu tiên đầu tư hạ tầng để phát triển nông nghiệp-thương mại, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; tiếp tục kêu gọi đầu tư hình thành khu thương mại phía Đông Quốc lộ 1A. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, trong đó tập trung ở các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, thông qua các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... thực hiện an sinh xã hội bảo đảm kịp thời.

Phát huy truyền thống cách mạng, với khí thế đập tan “lá chắn thép” ngày nào, cán bộ và nhân dân toàn huyện Thuận Bắc vững bước trên đường phát triển, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.