Vùng đất Vĩnh Hải anh hùng hôm nay

(NTO) Trong không khí hân hoan chào đón 38 năm Ngày giải phóng Quê hương Ninh Thuận; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại có dịp về thăm xã Vĩnh Hải anh hùng. Dù đã nhiều lần đến đây nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay từng ngày trên vùng đất một thời còn bao gian khó bởi bom đạn ác liệt của chiến tranh.

Giữa nắng vàng tháng 4, đi trên con đường nhựa uốn lượn quanh co, nhìn những giàn nho xanh mướt trĩu quả, chúng tôi thực sự cảm thấy mát lòng. Xã Vĩnh Hải bây giờ nhà cửa khang trang, điện sáng đến từng nhà dân. 100% số hộ đã có nhà xây cấp 4 trở lên, 85% hộ có nước sạch sinh hoạt, 98 % hộ có ti vi, xe máy, đường bê-tông nội thôn đạt 75%. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,02%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng/năm. Đó là những kết quả thật phấn khởi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã đạt được sau 38 năm xây dựng lại quê hương.

Cảnh đẹp Vĩnh Hy.

Ông Võ Văn Bảy, thôn Thái An, hồ hởi nói: “Xã Vĩnh Hải lúc mới giải phóng nghèo lắm. Nhờ sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nên xã có cơ sở hạ tầng khang trang hơn, cuộc sống của người dân ngày một khấm khá. Tôi cảm thấy rất tự hào trước sự đổi thay kỳ diệu của quê hương mình”.

Là xã bãi ngang với một bên là núi, một bên là biển, người dân xã Vĩnh Hải đã tận dụng những nguồn lực sẵn có này để phát triển kinh tế. Bên những dãy núi đá lô nhô, cằn cỗi, bà con từng bước khai hoang để lấy đất trồng trọt, chăn nuôi. Giờ đây, dưới chân núi đá trải dài đã được phủ lên một màu xanh của những giàn nho, của cây hành, cây tỏi và nhiều loại cây trồng khác. Trong đó, nho và hành, tỏi trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập chính bà con nơi đây. Trong nụ cười rạng rỡ, anh Ngô Văn Hân (thôn Thái An) phấn khởi khoe: “Với 3 sào nho, năng suất trên 2 tấn/ sào, vụ vừa qua tôi thu được hơn 360 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 250 triệu đồng”. Cùng với trồng trọt, bà con đã kết hợp chăn nuôi gia súc (bò, dê, cừu), gia cầm để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với bờ biển dài 35 km, đánh bắt hải sản cũng là nghề truyền thống nuôi sống người dân địa phương. Từ chỗ chỉ đánh bắt thủ công, đến nay người dân đã đầu tư thuyền nghề và các trang thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả cho hoạt động khai thác. Tổng số tàu thuyền toàn xã hiện có 157 chiếc, với tổng công suất khoảng 2.800 CV, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt hơn 850 tấn. Thời gian gần đây, bà con cũng bắt đầu phát triển thêm nuôi trồng thủy sản với diện tích hiện nay là 14,5 ha, tổng sản lượng đạt hơn 100 tấn/năm.

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được các nhà đầu tư xây dựng tại xã Vĩnh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc

Bãi biển tuyệt đẹp cùng với những rạn san hô tự nhiên cũng là một lợi thế để địa phương phát triển du lịch. Vịnh Vĩnh Hy, với vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng đã thu hút khoảng 40 ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Tiềm năng phát triển du lịch đang từng bước làm thay đổi bộ mặt của vùng đất cách mạng anh hùng khi mà tỷ trọng của ngành này đang chiếm đến 25% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, và định hướng trong thời gian tới sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn so với nông nghiệp.

Điều làm cho bà con phấn khởi hơn nữa chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, kè chống lũ, công trình thủy lợi…Trong đó, công trình hồ Nước ngọt được đầu tư xây dựng từ năm 2002, tại thôn Đá Hang có sức chứa 1,8 triệu m3 đã cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong xã và chủ động nước tưới cho khoảng 200 ha diện tích canh tác. Con đường ven biển đi qua xã đang thi công góp phần kết nối thông thương giữa xã với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất ,kinh doanh của nhân dân, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Raglai hai thôn Cầu Gãy, Đá Hang ngày càng ổn định nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hiện 100 % số hộ đã có nhà xây, được sử dụng điện và nước sạch sinh hoạt, có các trang-thiết bị phục vụ đời sống. Thông qua nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo được triển khai, bà con đã từng bước tiếp cận được với khoa học-kỹ thuật trong sản xuất. Không còn sống dựa chủ yếu vào nương rẫy như trước đây, bà con bây giờ đã biết thâm canh cây lúa, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây ăn quả, tận dụng hạt cây rừng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nghề trồng tỏi đem lại hiệu quả kinh tế nâng cao đời sống người dân xã Vĩnh Hải

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải vui mừng, chia sẻ: Trước đây, người dân trong xã sống chủ yếu dựa vào cây đậu, cây bắp, mỗi năm chỉ làm được một vụ, nay bà con đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nhiều mô hình kinh tế mới có giá trị cao, vì thế đời sống ngày càng được nâng lên. Từ một xã nghèo nhất của huyện, Vĩnh Hải hôm nay đã có những bước khởi sắc vượt bậc. Trên địa bàn xã hiện nay có nhiều dự án du lịch sinh thái nghĩ dưỡng cao cấp đã và đang được đầu tư như Nam Núi Chúa, Thành Trung, Phát Hoàng Long, Resort spa nho… sẽ là động lực phát triển mới cho địa phương trong tương lai.

Sau 38 năm giải phóng, phát huy truyền thống anh hùng, nhân dân trong xã đã đồng lòng, hợp sức cùng đảng bộ, chính quyền xây dựng và phát triển quê hương. Vĩnh Hải hôm nay mang một diện mạo mới đẹp và sung túc hơn.