Huyện Ninh Hải công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020:

Xây dựng Ninh Hải trở thành vùng trọng điểm du lịch phía Bắc của tỉnh

(NTO) Theo quan điểm phát triển, huyện Ninh Hải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, kết nối với Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa, tận dụng lợi thế về 2 hành lang Quốc lộ 1A và đường ven biển, xây dựng huyện thành vùng trọng điểm du lịch phía Bắc của tỉnh.

Với quan điểm trên, huyện đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ- công nghiệp, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, nhóm ngành thương mại, dịch vụ- du lịch chiếm tỷ trọng 45,13% tổng giá trị sản xuất, nhóm ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 35,67%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 78-79 triệu đồng.

Trung tâm huyện Ninh Hải. Ảnh: Văn Thanh

Với chiều dài 58 km đường bờ biển, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng, Ninh Hải được đánh giá là địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bậc nhất của cả tỉnh. Theo quy hoạch, huyện sẽ tập trung các nguồn lực xây dựng 3 cụm du lịch: Cụm Du lịch Vĩnh Hy, gồm các Khu Du lịch vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Bãi Thùng, bãi Suối Sâu; Cụm du lịch Ninh Chử- Đầm Nại, gồm các Khu Du lịch Bình Sơn - Ninh Chử, khu đa chức năng Đầm Nại, núi Cà Đú và Cụm Du lịch Thanh Hải, gồm các Khu Du lịch Hòn Đỏ, bãi Rùa Đẻ, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao rừng-biển, giải trí cao cấp, casino, spa nho, tham quan nghiên cứu khoa học, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện…Ngoài ra, Ninh Hải còn đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh bạn, các trung tâm du lịch lớn trong khu vực như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết … để hình thành và khai thác có hiệu quả các tour du lịch biển, rừng thông qua các hành lang kinh tế. Phấn đấu đến năm 2015, Ninh Hải sẽ đón khoảng 460 ngàn lượt du khách; đến năm 2020 sẽ đón khoảng 1,6 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 19-20%.

Song song với phát triển du lịch, Ninh Hải đẩy mạnh các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, làm cơ sở thúc đẩy các thành phần kinh tế khác và trở thành trung tâm kinh tế- thương mại của cả tỉnh và vùng. Ngoài việc triển khai nhanh chóng các dịch vụ công cộng và dịch vụ sản xuất như: Trung tâm thương mại, khách sạn- nhà hàng, tài chính- ngân hàng, bưu chính, viễn thông, giáo dục, y tế, hoàn thiện hệ thống chợ huyện, chợ đầu mối rải đều các địa phương, huyện sẽ xây dựng bến du thuyền, cảng chuyên dụng, hàng hóa Ninh Chử đón tàu trọng tải lớn 10 nghìn tấn phục vụ nhu cầu vận tải biển, giao thương hàng hóa, du lịch và công nghiệp.

Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, rặng san hô dài trên 10 km phân bố đều từ Tri Hải xuống Nhơn Hải có độ dày 1-6 m, trữ lượng khoảng 4,5 triệu tấn; đá khối granite ở các thôn Mỹ Hòa, Thái An, Vĩnh Hy, núi Quýt, Cà Đú với tổng trữ lượng trên 850 triệu m3 và những cánh đồng muối bạt ngàn các vùng ven biển, Ninh Hải có đầy đủ yếu tố thuận lợi phát triển ngành công nghiệp- xây dựng. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, huyện sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến muối tinh và muối I-ốt đáp ứng nhu cầu muối thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Một điểm nhấn nữa trong quy hoạch phát triển công nghiệp ở địa phương đó là hình thành Cụm Công nghiệp Tri Hải, được đặt tại thôn Tân An, xã Tri Hải có quy mô diện tích gần 34 ha, tập trung các ngành nghề: chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, chế biến nông lâm hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề truyền thống… Và đặc biệt, khi Dự án Nhà máy điện hạt nhân số 2 với công suất 2.000MWh tại xã Vĩnh Hải, cùng với các 2 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió, với tổng công suất trên 410 MW tại các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Xuân Hải được xây dựng và đi vào hoạt động, Ninh Hải còn là địa phương phát triển mạnh về ngành công nghiệp năng lượng, góp phần phục vụ nhu cầu về điện sinh hoạt, sản xuất của cả nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung phát triển, khai thác lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá với tỷ trọng chiếm trên 62% giá trị sản xuất nông nghiệp... Quy hoạch đến năm 2020, ngoài việc hình thành các vùng tập trung sản xuất tôm giống, sản lượng ước đạt 8 tỷ con và vùng nuôi tôm thịt cùng các loại hải sản giá trị kinh tế cao như cá mú, ốc hương… với tổng sản lượng 3.500 tấn tại các xã ven Đầm Nại như Phương Hải, Hộ Hải, Tân Hải, huyện tăng cường phát triển số lượng tàu thuyền, phấn đấu đạt 1.500 chiếc, với tổng công suất 174.800 CV (trung bình 116CV/chiếc) khuyến khích ngư dân vươn ra đánh bắt xa bờ khai thác các loại hải sản lớn, có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, với sản lượng ước tính đạt 23.000 tấn.

Để thực hiện quy hoạch theo đúng lộ trình, huyện đã đề ra 8 giải pháp cơ bản, trong đó xác định tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp mũi nhọn là: thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các chương trình, dự án và ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, trên cơ sở đó từng bước hình thành các cơ sở sản xuất công nghệ, kỹ thuật cao về công nghiệp chế biến và một số sản phẩm đặc thù của huyện. Bên cạnh đó, huyện đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, sinh thái, kết nối, hợp tác phát triển kinh tế liên vùng, tỉnh lân cận… nhằm nhanh chóng hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo đúng lộ trình, quy hoạch, đồng thời khai thác lâu dài, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào của địa phương.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Về kinh tế:

- Tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành giai đoạn 2011-2015 đạt 18-19%, giai đoạn 2016-2020 đạt 23-24%; trong đó, giai đoạn 2011-2015: Khu vực dịch vụ tăng 25-26%, công nghiệp - xây dựng tăng 21-22%; nông, lâm, thuỷ sản tăng 10-11% và giai đoạn 2016-2020 tương ứng tăng 30-31%; 27-28% và 10-11%.

- Đến năm 2015, thu nhập bình quân/người/năm đạt 26-27 triệu đồng (tương đương 1.300 USD) và năm 2020 đạt 78-79 triệu đồng (tương đương 3.000 USD).

- Thu ngân sách trên địa bàn, năm 2015 đạt 150 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 16%/năm; năm 2020, đạt 1.396 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 10-11%/năm.

Về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,18% vào năm 2015 và 1% vào năm 2020; đến năm 2015 quy mô dân số 98.437 người và năm 2020 đạt 112.050 người.

- Đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%, năm 2020 còn dưới 2%; giai đoạn 2011-2015, giải quyết việc làm hàng năm khoảng 3.000- 3.500 người; giai đoạn 2016-2020 khoảng 3.500-4.000 người.

- Phấn đấu đến năm 2015 có trên 95% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và năm 2020 đạt 98%; đến năm 2015, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt trên 90% và năm 2020 đạt trên 95%.

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

1. Dự án Du lịch sinh thái, đô thị Đầm Nại

2. Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ

3. Khu Du lịch sinh thái Bãi Thùng

4. Khu Du lịch sinh thái biển Khánh Hải

5. Khu Du lịch cao cấp sinh thái Vĩnh Hy

6. Khu Resort Spa Nho

7. Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trưng bày sản phẩm Bãi Hòm

8. Khu Du lịch sinh thái bãi rạng san hô

9. Khu Du lịch sinh thái bảo tồn Rùa biển Thái An

10. Khu Du lịch trung tâm Vĩnh Hy

11. Khu Du lịch bãi biển Suối Sâu

12. Dự án Casino Resort Vĩnh Hải

13. Dự án XD kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Tri Hải

14. Nhà máy sản xuất đá ốp lát

15. Dự án sản xuất và kiểm định giống thủy sản Nhơn Hải

16. Trung tâm giống thủy sản Tân Hải

17. Đầu tư cảng hàng hóa Ninh Chử tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 tấn

18. Các cảng chuyên dụng phục vụ du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chử

19. Hệ thống cấp nước các khu đô thị mới và nhà máy điện hạt nhân số 2

20. Hệ thống cấp nước các cụm công nghiệp, khu du lịch

21. Dự án năng lượng mặt trời

22. Dự án điện gió

23. Đầu tư Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tân Bách Khoa

24. Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề Ninh Hải

Đồng chí Trần Văn Đông,
Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải:

Để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội huyện Ninh Hải đến năm 2020 cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận, thống nhất của tầng lớp nhân dân ở địa phương. Vì thế, cấp ủy, chính quyền tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu kỹ quan điểm về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của huyện nhà, đặc biệt đối với công tác giải phóng mặt bằng giải tỏa đất đai trong các vùng quy hoạch, nhằm thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương

Đồng chí Trần Ngọc Tuân,
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Hải:

Việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho các ngành, địa phương trong huyện. Với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân huyện khuyến khích hội viên phát triển các ngành nghề dịch vụ-du lịch-thương mại; chú trọng các mô hình nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả; gắn phát triển kinh tế biển với phát triển du lịch. Với Quy hoạch tổng thể phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương như vậy sẽ tạo đà cho kinh tế huyện phát triển mạnh mẽ

Đồng chí Phạm Ngọc Thương,
Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải:

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện, thị trấn Khánh Hải được quy hoạch trở thành đô thị loại IV vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, thị trấn đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương; tăng tỷ trọng kinh tế theo hướng dịch vụ-thương mại-du lịch; xây dựng thị trấn Khánh Hải trở thành đô thị du lịch biển. Đó là thu hút vốn đầu tư cho hoạt động dịch vụ-du lịch-thương mại, phát triển các loại hình thương mại vừa và nhỏ; thực hiện chỉnh trang đô thị xanh-sạch-đẹp; phát triển kinh tế nông nghiệp-diêm nghiệp-thủy sản; đẩy mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp…