Phan Rang - Tháp Chàm: Hướng đến đô thị Hiện đại, Văn minh, thân thiện

(NTO) Dọc dài trên những tuyến đường vừa mới được nâng cấp, mở rộng về hướng Đông, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay vượt bậc của thành phố trẻ Phan Rang-Tháp Chàm sau 38 năm giải phóng, nhất là từ ngày tái lập tỉnh đến nay.

Những dấu ấn phát triển

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, đồng chí Dương Ái Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Với sự quan tâm đầu tư có trọng điểm của tỉnh và huy động sự đóng góp của toàn xã hội, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có bước chuyển mình toàn diện, từ hạ tầng kỹ thuật đô thị đến các mặt kinh tế-xã hội. Hiện thành phố đang hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tiêu chí không chỉ để đạt chuẩn đô thị loại II trong 2 năm tới, mà xa hơn nữa là đô thị hiện đại, thân thiện.

Một góc Công viên 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Văn Miên

Để có được diện mạo hiện đại như hôm nay, suốt thời gian hơn một thập niên qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trọng tâm là phát triển mạng lưới giao thông. Với chủ trương kết nối vùng, thời gian gần đây trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, đường ven biển và các tuyến đường nội thành, với tổng chiều dài 63,4 km, nâng tổng số chiều dài các tuyến đường của thành phố lên 160 km, ngoài ra còn có 22 km đường bê tông các tuyến đường liên phường, nội phường và đường trong khu đô thị mới. Hệ thống giao thông phát triển là cơ sở để thành phố thực hiện nhiệm vụ phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới, trong đó xây dựng nhiều khu chung cư, nhà liên kế cao tầng từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Để đô thị phát triển bền vững, thành phố chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Cùng với việc đầu tư các hồ điều hòa, xây dựng hệ thống thoát nước đô thị để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ, thành phố đã phát triển hệ thống cây xanh rộng khắp, đặc biệt là ở các tuyến phố chính, công viên và quảng trường. Triển khai mô hình thu gom rác thải không tiếp đất ở tất cả 16 xã, phường, tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom đạt trên 90%.

Nghề trồng hoa cúc của nông dân phường Mỹ Bình đem lại hiệu quả kinh tế nâng cao đời sống nông dân vùng đô thị.
Ảnh: Sơn Ngọc

Thực hiện nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, thành phố đã biến các vùng dân cư ngoại thành, ven biển thành những nơi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Đồng chí Trần Hữu Ánh, Bí thư Đảng bộ phường Mỹ Bình, cho biết, thành phố thực sự phát triển mạnh hơn chục năm nay. Đơn cử như ở phường Mỹ Bình vốn là vùng ven biển rất khó khăn nay đang trở thành trung tâm của thành phố ở khu vực phía Đông. Trong quy hoạch, hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên của phường phục vụ cho phát triển đô thị, đặc biệt khu vực hai bên đường Yên Ninh dành riêng cho phát triển dịch vụ phục vụ du lịch. Với hướng phát triển này, Mỹ Bình sẽ là phường “giàu” nhất thành phố trong nay mai.

Về kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao, giai đoạn 2006-2010 là 13,13%, năm 2012 là 14,2%. Ngành Thương mại- dịch vụ phát huy được vai trò đòn bẩy của nền kinh tế, năm 2012 có tốc độ tăng trưởng 14,7%, chiếm 60,4% cơ cấu nền kinh tế. Thành phố là trung tâm dịch vụ tài chính-tín dụng, bưu chính- viễn thông, dịch vụ vận tải… của cả tỉnh, vì vậy đã thúc đẩy ngành thương mại- dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hiện thành phố có 3 siêu thị, 17 chợ tổng hợp và nhiều kênh phân phối lớn có phạm vi phân phối rộng trong cả nước. Năm 2012, trên địa bàn có 9.890 cơ sở đăng ký kinh doanh, chiếm hơn 35% cơ sở kinh doanh trong toàn tỉnh. Với vị trí nằm kề Biển Đông, thành phố đang khai thác tiềm năng du lịch biển khu vực Bình Sơn-Ninh Chử, với nhiều dự án du lịch quy mô lớn được đầu tư gắn với du lịch văn hóa, du lịch mua sắm. Về lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thành phố đã hình thành 2 cụm công nghiệp Thành Hải và Tháp Chàm thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất; hiện có nhiều dự án lớn đang được triển khai như: Nhà máy bia, nhà máy sản xuất bao bì, nhà máy chế biến thủy sản… Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này trong năm 2012 là 15,5%, chiếm 28,5% cơ cấu nền kinh tế. Ngành Nông nghiệp -thủy sản tập trung phát triển theo hướng chiều sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.

Với sự phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân 23,9 triệu đồng người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,14% (theo tiêu chí mới).

Nỗ lực tạo "bứt phá" trong tương lai

Để thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đặt ra mục tiêu tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế để huy động tối đa nội lực và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, tập trung phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, thật sự là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa và khoa học kỹ thuật, là đầu tàu kinh tế của cả tỉnh; phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015, là đô thị phát triển theo hướng “Thành phố công viên, xanh, sạch, hiện đại”. Trong 3 phương án quy hoạch phát triển, thành phố đã chọn phương án 1, đó là phát huy tốt lợi thế của đô thị, đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, chú trọng hơn đến vai trò của ngành dịch vụ, phát triển kinh tế gắn với việc thu hút nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng. Không gian đô thị được mở rộng một cách hợp lý. Theo đó thành phố chọn 4 lĩnh vực trọng điểm để bứt phá đi lên, đó là: Xây dựng hạ tầng và phát triển thị trường bất động sản; phát triển mạnh ngành thương mại-dịch vụ-du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo phương án đã chọn, trong lĩnh vực kinh tế, thành phố xác định ngành dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó thương mại là lĩnh vực phát triển chủ lực; tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn ngành dịch vụ là 20%/năm, chiếm 60% giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngành Công nghiệp-xây dựng là ngành kinh tế quan trọng tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 22-22,5%, chiếm 35,5% GDP. Ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị xanh, đô thị vườn; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu và phục vụ du lịch. Tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn 3.450 tỷ đồng. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, cấp nước-thoát nước, cấp điện, bưu chính-viễn thông, vệ sinh môi trường đô thị.

 

Hệ thống giao thông hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị Phan Rang- Tháp Chàm.

Theo dự báo đến năm 2020 dân số của thành phố là 232.000 dân, dân số đô thị chiếm 97,84%; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.000 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 có 60% lực lượng lao động được đào tạo, trong đó đào tạo nghề chiếm 45%. Về không gian lãnh thổ, thành phố phấn đấu đến năm 2015 đạt tiêu chí đô thị loại II, sau đó mở rộng không gian lãnh thổ kết nối với thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), mở rộng hướng Nam để hình thành khu đô thị dọc 2 bên bờ sông Dinh. Để đạt được mục tiêu của quy hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố cả giai đoạn là 48.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách khoảng 14%, còn lại là huy động các nguồn lực trong xã hội.

Từ những thành tựu phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội sau 21 năm tái lập tỉnh, cùng với việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá trong quy hoạch phát triển tổng thể là cơ sở để Tp. Phan Rang-Tháp Chàm bứt phá đi lên, thực sự trở thành đô thị hiện đại, năng động, thân thiện trong tương lai.