Về tham dự Hội nghị, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và Quân khu 5; Đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; Đại diện Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước Liên bang Nga, Trung Quốc và vùng lãnh thổ, các Tổ chức hợp tác quốc tế.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Nỷ
Về phía tỉnh, có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng hơn 250 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Ninh Thuận là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế, có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết và phát triển vùng. Tỉnh có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường sắt Bắc-Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài 105 km, là vùng nước trồi duy nhất của Việt Nam, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, trong đó vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là danh lam thắng cảnh Quốc gia; vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới; khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ được quy hoạch đưa vào khu du lịch trọng điểm Quốc gia; có văn hóa Chăm đặc sắc, trong đó nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới… Những yếu tố này tạo cho tỉnh có tiềm năng, thế mạnh riêng để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Nỷ
Đến nay, tỉnh đã hoàn tất việc lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là luận chứng khoa học về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phương án bố trí không gian lãnh thổ tỉnh trong giai đoạn 10 năm đến và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, tỉnh cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố Quyết định số 1319 ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, với tầm nhìn chiến lược phát triển là “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển. Đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng. Với mục tiêu đã đặt ra, tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10-11%/năm giai đoạn 2021-2030.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, tỉnh xác định 5 cụm ngành quan trọng gồm: Năng lượng - năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng kinh doanh bất động sản. Đồng thời xác định 4 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển đồng bộ hạ tầng khung tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng; Thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển và hướng đến thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam, với quy mô khoảng 43.900 ha.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, chuyên gia cũng đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết nhằm làm rõ hơn các mục tiêu, tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Ninh Thuận trong tương lai.
Trong dịp này, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 120.000 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã tặng hoa cho các nhà đầu tư.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án và tặng hoa cho các nhà đầu tư. Ảnh: Văn Nỷ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Ninh Thuận là một trong những tỉnh xây dựng quy hoạch sớm nhất, bản quy hoạch đầu tiên của tỉnh đã được ban hành, thực hiện trong hơn 10 năm, đưa Ninh Thuận vươn lên, tiến kịp, đi cùng các địa phương trên cả nước, từ một tỉnh nhóm dưới về phát triển trở thành một tỉnh phát triển trung bình, đi lên từ "khó, khô và khổ", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đánh giá bản Quy hoạch vừa được công bố mang tính kế thừa và phát triển, Thủ tướng kỳ vọng Ninh Thuận có thể vượt lên trong thời gian tới.
Thủ tướng phân tích, Quy hoạch đã xác định 6 lợi thế của Ninh Thuận về hạ tầng kết nối giao thông; tiềm năng phát triển du lịch đa dạng; có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo cũng như có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp; có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Với những lợi thế này, thời gian qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Quy mô GRDP năm 2023 đạt trên 52,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9 lần so năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Văn Nỷ
Với điều kiện đó, để thực hiện các định hướng lớn trong Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần chú trọng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai hiệu quả Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị tỉnh phổ biến sâu rộng Quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng. Thủ tướng gợi ý tỉnh xây dựng Cung triển lãm quy hoạch.
Với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Ninh Thuận; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ Ninh Thuận, các địa phương vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển, thực hiện tốt quy hoạch. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp đã chọn tỉnh để đầu tư, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; phù hợp định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, với ý chí, niềm tin và khát vọng phát triển; tỉnh sẽ quyết tâm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Ninh Thuận ngày càng phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh : Văn Nỷ
Để thực hiện tốt và đưa các mục tiêu, tầm nhìn Quy hoạch tỉnh trở thành hiện thực trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh nhà và các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy mọi lợi thế, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức để thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cơ sở đã có cái nhìn tổng quan về tỉnh, hãy tin tưởng, chân thành, lựa chọn và quyết tâm đầu tư vào Ninh Thuận trong thời gian tới.
Xác định để hoàn thành mục tiêu của Quy hoạch tỉnh, ngoài quyết tâm, nỗ lực lớn của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh cần tiếp tục có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trung ương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhanh, bền vững, rút ngắn nhanh chênh lệch phát triển so với các tỉnh trong vùng và cả nước; trọng tâm là huy động nguồn lực tăng cường liên kết vùng và hạ tầng kết nối. Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai để thống nhất trong triển khai thực hiện ở địa phương. Có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế biển các tỉnh trong vùng, tạo động lực phát triển và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nhằm tạo các cực tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Ảnh: Văn Nỷ
Cũng tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận hỗ trợ từ 23 doanh nghiệp, nhà hảo tâm với kinh phí hơn 7 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, góp phần thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Dịp này, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã trao tặng ngư dân tỉnh 10.000 lá cờ Tổ quốc và 100 suất học bổng trị giá 200 triệu đồng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học trên địa bàn tỉnh.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm, thị sát Hệ thống trạm bơm và ống kênh chính thuộc Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Đây là công trình thủy lợi hiện đại bằng ống thép, với tổng chiều dài 29km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào cuối năm 2021, phục vụ tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác; tiếp nước cho hệ thống thuỷ nông Nha Trinh - Lâm Cấm đảm bảo tưới đủ cho trên 12.000 ha; khi hoàn thành, dự án sẽ tiếp nước cho nhiều khu vực các hồ Cho Mo, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Ông Kinh; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản đồng thời tham gia chống hạn cho khu vực dự án như hồ thủy lợi Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn và trạm bơm Xóm Bằng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thi công hệ thống kênh tưới chính Tân Mỹ. Ảnh: Anh Tuấn
Qua nghe báo cáo về hiệu quả quá trình đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Hồ Tân Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng nhận thấy hệ thống thủy lợi bước đầu đã phát huy hiệu quả phục vụ tưới cho vùng đất từng chịu khô hạn nhiều năm qua. Thủ tướng Chính phủ đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo điều tiết nước, sử dụng hiệu quả công trình hạ tầng thủy lợi nhằm chống hạn; quan tâm, chỉ đạo sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà, thăm hỏi đời sống sản xuất của người dân. Ảnh: A. Tuấn
Thủ tướng đã thăm hỏi cán bộ vận hành, thi công hệ thống kênh tưới; động viên người dân địa phương cần nỗ lực, phát huy hiệu quả công trình, chăm lo sản xuất ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cần chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên chọn giống chủ lực, có giá trị thế mạnh để đưa vào sản xuất. Trong lao động, luôn có tinh thần sáng tạo, đoàn kết, phát huy hiệu quả các chính sách của Đảng, nhà nước về định hướng phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng hợp tác xã, vay vốn ưu đãi để đưa sản phẩm nông nghiệp vươn tầm ra ngoài khu vực, tạo chuỗi giá trị bền vững, có sức cạnh tranh cao.
Các ý kiến phát biểu Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư
* Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam KOCHAM:
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam KOCHAM. Ảnh: Văn Nỷ
Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió và mặt trời dồi dào, tạo tiền đề đưa Ninh Thuận để phát triển thành trung tâm năng lượng thân thiện với môi trường. Hàn Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về năng lượng thân thiện với môi trường, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh trong việc phát triển các dự án năng lượng. Với tư cách là người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, tôi cam kết tích cực hỗ trợ, thu hút, kết nối nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng thân thiện môi trường tại Ninh Thuận. Để thu hút mở rộng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng thân thiện với môi trường, tôi mong muốn Chính phủ cần nới lỏng quy chế thu hút đầu tư, chính sách thuế,… tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư. Riêng tỉnh Ninh Thuận cần tập trung đầu tư các dự án giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu về công nghiệp và du lịch (DL) như: sân bay, đường bộ, cao tốc, cảng biển, đường sắt…Tập trung phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề kỹ thuật, năng lượng thân thiện với môi trường. Với những lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, tin rằng Ninh Thuận sẽ trở thành thủ đô Green Hydrogen và năng lượng tái tạo của thế giới trong thời gian không xa…
* Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel:
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel.Ảnh: Văn Nỷ
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển dựa trên bản quy hoạch mới, tôi mong muốn Chính phủ quan tâm phát triển du lịch (DL) hàng không, chuyển sân bay Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng, tạo điều kiện tiếp cận điểm đến nhanh nhất, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Với 154 km đường sắt, 3 tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận-Khánh Hòa cần xây dựng triển khai đoàn tàu DL từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang; cần đầu tư quy hoạch lại ga Tháp Chàm sớm trở thành trung tâm logistic, tạo kết nối vùng, liên vùng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch năm 2025-2035 và tầm nhìn năm 2050, trong đó tận dụng tối ưu những tiềm năng để phát triển DL thể thao, DL sinh thái biển...Ngoài ra, Ninh Thuận cần đẩy nhanh mức độ sinh, mở rộng thêm khu công nghiệp để giữ dân, tăng dân số, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội.
* PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam. Ảnh: Văn Nỷ
Bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản QH tương lai chất lượng cao bởi thực tiễn vững chắc, đường nét tương lai rõ ràng, tương sáng và tính khả thi, hiện thực cao. Là mảnh đất tận cùng “nghèo khó”, bằng logic “đảo ngược” và nỗ lực đột phá để vượt lên, tạo kỳ tích phát triển. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự phát triển tầm cao mới của năng lượng gió ngoài khơi hay việc lựa chọn đầu tư cảng nước sâu Cà Ná… Tuy “nhập cuộc” muộn, Cảng Cà Ná bước vào QH phát triển với tư thế “đi sau – vượt trước” tạo triển vọng sáng sủa, rõ ràng. Với nhu cầu nhập khẩu LNG bùng nổ, với triển vọng phát triển Khu Công nghiệp gần kề mở ra, với các tuyến kết nối đầy hứa hẹn và đặc biệt, được sự ủng hộ của Trung ương, của Chính phủ, Cà Ná sẽ trở thành một trong những tọa độ chính định vị chân dung phát triển của Ninh Thuận và của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Với những định hướng rõ ràng, gắn liền thực tiễn tôi đánh giá cao việc ưu tiên lựa chọn thúc đẩy phát triển DL và đô thị của Ninh Thuận, tạo ra sự khác biệt hòa quyện trong tổ hợp phong phú khác thường các nguồn lực tự nhiên, văn hóa, lịch sử...của địa phương.
Anh Tuấn-Mỹ Dung