Toàn tỉnh hiện có 1.176 TEKT, trong đó có 196 TEKT từ 0-5 tuổi; 440 TEKT từ 6-11 tuổi và 540 TEKT từ 12 đến dưới 16 tuổi. Các em thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như: Khuyết tật vận động, khuyết tật bộ phận, khiếm thị, câm, điếc, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ... Đa số gia đình có TEKT có hoàn cảnh khó khăn chưa đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ một cách toàn diện. Để chăm lo tốt cho TEKT, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi hội, đoàn thể trong tỉnh đều đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và xã hội chung tay chăm lo TEKT bằng những hoạt động, chương trình như: Thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ phẫu thuật dị tật, phục hồi chức năng (PHCN)...
Các kỹ thuật viên phòng tập phục hồi chức năng thuộc Khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ các bé di chuyển.
Phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh luôn đồng hành, sẻ chia kịp thời với những người yếu thế, trong đó có TEKT. Với mong muốn hỗ trợ TEKT có hoàn cảnh khó khăn có được nguồn bổ sung dinh dưỡng, phát triển thể chất, chiều cao, trí tuệ, giúp các phụ huynh đỡ được một phần kinh phí trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ, thời gian qua các cấp Hội CTĐ trong tỉnh tích cực triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. Vừa qua, Hội CTĐ tỉnh đã đến thăm các em học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, tại đây 76 học sinh được nhận phần quà gồm sữa và tiền mặt với tổng kinh phí gần 19 triệu đồng. Cầm trên tay những phần quà, được các cô chú trong đoàn quan tâm hỏi han, bằng ngôn ngữ đặc biệt nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ niềm vui toát lên trên khuôn mặt các em. Từ năm 2023 đến nay, Hội CTĐ tỉnh phối hợp cùng với Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood và Quỹ Phát triển tài năng Việt hỗ trợ gần 7.000 đối tượng trong đó có hàng trăm TEKT trên địa bàn tỉnh. Chương trình không chỉ giúp cải thiện sức khỏe và phát triển thể chất của các em mà còn mang lại sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống hằng ngày, qua đó tạo động lực để các em vươn lên, phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Cùng với việc vận động, tổ chức cung cấp dinh dưỡng cho TEKT, các cấp hội sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho những người chăm sóc trẻ, các hộ gia đình, giáo viên trong trường học, trung tâm bảo trợ xã hội có trẻ khuyết tật, về dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc TEKT, kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu...
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác chăm sóc, hỗ trợ TEKT. Thông qua Chương trình phẫu thuật, khuyết tật dị tật cho trẻ em, Hội đã trợ giúp nhiều trẻ không may bị khuyết tật, dị tật trở lại sinh hoạt bình thường, có cơ hội học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa. Riêng trong năm 2023, Hội phối hợp với Tổ chức Children Action; Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sàng lọc cho 131 em mắc dị tật vận động do tật xương khớp (chân khèo, chân vòng kiềng, trật khớp háng, gù vẹo cột sống, tay khoèo, sẹo bỏng), qua đó hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho 24 em dị tật. Có con không may bị thần kinh não, anh Nguyễn Hồng Sơn, thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Con tôi hiện đi lại khó khăn, nhận thức xung quanh kém do ảnh hưởng thần kinh nên khi được Hội cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí khám, điều trị gia đình tôi rất mừng và mong sớm đến ngày cháu được phẫu thuật, cải thiện sức khỏe. Cùng với phẫu thuật, khuyết tật dị tật cho trẻ, Hội còn tích cực vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân trao tặng hàng trăm suất quà, xe lăn cho TEKT trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ thăm hỏi, tặng quà, công tác PHCN cũng cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho TEKT trên địa bàn tỉnh. Gần 10 năm hoạt động, căn phòng tập PHCN thuộc Khoa Y dược cổ truyền - PHCN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều TEKT trong tỉnh. Trung bình mỗi ngày phòng đón khoảng 15 trẻ đến tập với các bệnh lý như: Vẹo cổ bẩm sinh; xơ cơ ức đòn chũm; bại não, dị tật bàn chân; gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em. Mỗi trẻ một căn bệnh khác nhau, nhưng thông qua các bài tập vật lý trị liệu, các kỹ thuật viên giúp trẻ sớm khắc phục khiếm khuyết cơ thể, cải thiện vận động, phát triển não bộ, PHCN. Bé T.N.K.T, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) không may bị bại não, chậm phát triển về cả vận động và ngôn ngữ so với đồng trang lứa. Sau thời gian tập luyện đến nay bé có nhiều tiến bộ trong di chuyển, dịch chuyển, có thể ngồi xếp bằng nhưng cần hỗ trợ từ kỹ thuật viên; phát âm rõ từng từ, kỹ năng nghe nhìn cũng cải thiện hơn. Chị Đ.T.T.T mẹ bé cho biết: Nhìn thấy sự tiến bộ về ngôn ngữ, vận động của con, tôi rất vui mừng và biết ơn đội ngũ kỹ thuật viên tận tình hỗ trợ. Mong rằng với những bài tập trị liệu, thời gian tới cháu sẽ phục hồi được phần nào để sớm hòa nhập cộng đồng.
Có thể thấy tùy theo chức năng, nhiệm vụ và hơn cả là tình yêu thương, trách nhiệm xã hội, các cấp hội, đoàn thể trong tỉnh đều chung tay chăm lo, trợ giúp TEKT. Từ việc tăng cường dinh dưỡng đến hỗ trợ PHCN, cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ TEKT. Mỗi hoạt động quan tâm, trợ giúp của các cấp hội, đoàn thể trong tỉnh dù nhỏ nhưng sẽ kịp thời tiếp thêm động lực, giúp cho những “bông hoa khuyết cánh” nỗ lực vươn lên, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Mỹ Dung