Khởi sắc trên quê hương Bác Ái anh hùng

(NTO) Về Bác Ái hôm nay – trong những ngày Tháng tư rực nắng, mảnh đất anh hùng sau 38 năm giải phóng và 12 năm tái lập đang khoác lên mình màu áo mới đẹp tươi của sự đổi thay no ấm: những con đường nhựa thênh thang dẫn về từng thôn xóm…, những em nhỏ Raglai khăn quàng đỏ trên vai tung tăng đến lớp..., tiếng chuông gọi đàn bò rộn ràng trên những cánh đồng xa…

Từ những đổi thay…

Bác Ái là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, được tái lập và đi vào hoạt động từ năm 2001, theo Nghị định số 65 của Chính phủ. Toàn huyện hiện có 9 xã, 38 thôn, với dân số trên 26.200 người, trong đó dân tộc Raglai chiếm trên 90%. Với trình độ lao động thấp lại thường xuyên phải gánh lên mình những thiên tai hạn hán, bão lũ… đời sống của nhân dân Bác Ái gặp vô vàn khó khăn, năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 70%.

Hồ thủy lợi Sông Sắt. Ảnh: Duy Anh

Với những khó khăn đó, Bác Ái đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, là một trong những địa phương thuộc diện thụ hưởng Nghị quyết (NQ) 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”. Từ các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với NQ 30a, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Bác Ái đã có nhiều khởi sắc, diện mạo mới đang được hình thành trên vùng cao khó khăn. Đến nay, huyện đã có hệ thống đường giao thông đến từng thôn, xóm được rải nhựa hoặc cấp phối. Trên 60% thôn có công trình nước sinh hoạt tập trung, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống kênh tưới từ các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung... đang từng bước hoàn thiện, phục vụ tưới tiêu cho gần 2.000 ha đất sản xuất.

Các mô hình từ các chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai thực hiện không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán của đồng bào trong sản xuất. Việc đưa các giống cây trồng mới, có năng suất cao, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện vào sản xuất đã làm tăng hệ số sử dụng đất từ 0,9 lần lên 2 lần và loại bỏ dần các loại cây trồng kém hiệu quả ở địa phương. Từ diện tích đất kém màu mỡ, Bác Ái đã tạo được 852 ha ruộng trồng lúa nước, năng suất lúa đạt bình quân 3,5 - 4 tấn/ha/vụ; đồng thời bứt phá thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các mô hình: trồng trên 1.500 ha bắp lai, 776 ha cây cao su, 780 ha cây ăn trái: sầu riêng hạt lép, chuối, mít ruột vàng... Đến nay, huyện đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới cho 9/9 xã. Đây là cơ sở để cho các xã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm phù hợp với từng vùng, thửa đất và mùa vụ.

Nông dân huyện Bác Ái phát triển trồng cây cao su.Ảnh: Thanh Long

Với 1.569 căn nhà được xây dựng từ Chương trình 167, toàn huyện đã cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo. Hiện nay, có trên 3.200 hộ dân của 23 thôn được nhận khoán chăm sóc bảo vệ  rừng, với diện tích là 18.712 ha. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân đang từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 7-8%, đến cuối năm 2012, huyện còn 46,12% hộ nghèo.

Đổi thay đáng ghi nhận nhất là sự chuyển biến tích cực về trình độ dân trí. Nếu như ngày mới tách huyện, Bác Ái chỉ có một vài trường tiểu học, đến nay toàn huyện đã có 37 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS; 1 trường THPT và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện liên thông 2 cấp học. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở các cấp học hằng năm đã tăng cao. Riêng năm 2012, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,5%. Phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi được triển khai đồng bộ, đúng lộ trình. Bác Ái hôm nay đã có 7/9 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, 2 trường tiểu học và 1 THCS được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.

Và động lực hôm nay…

Những thành tựu sau 12 tái lập huyện và một nửa chặng đường thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 chính là những động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ việc nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ TW 4 (khoá XI) gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ huyện Bác Ái tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy, nhân rộng các điển hình và kiên quyết khắc phục hạn chế, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Học sinh Trường THPT Bác Ái ngày nay. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Kiều Như Bổn, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Xác định nhiệm vụ trọng tâm của huyện là phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện đề ra, thời gian tới Bác Ái sẽ tiếp tục chú trọng khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế, phấn đấu hàng năm giảm từ 7-8% hộ nghèo. Tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút cán bộ giỏi, có kiến thức thực tiễn về công tác tại cơ sở.

Với mục tiêu, định hướng đó, ngay trong năm 2013, Bác Ái xác định tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, gắn với nâng cao trình độ dân trí cho người dân và đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Sắp xếp nhu cầu đầu tư theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở đề án xây dựng nông thôn mới, bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia của người dân. Tập trung huy động các nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội. Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 và đến năm 2020. Mở rộng hợp tác toàn diện với các huyện trong tỉnh, các doanh nghiệp, ưu tiên hợp tác liên kết phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, du lịch sinh thái, sản xuất và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp; tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và dạy nghề; hợp tác liên kết trong việc triển khai các dự án trồng rừng kinh tế, phát triển cây cao su.