Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Từ ngày 24-11 đến nay, do ảnh hưởng rìa tây Bắc hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, có vài nơi đặc biệt to, gây lũ lụt, ngập úng trên diện rộng. Trước diễn biến thiên tai, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tập trung triển khai có hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Đến trưa ngày 26-11, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 3.535 hộ/13.725 khẩu, chằng chống 1.545 nhà. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển tổ chức sắp xếp, kêu gọi, di chuyển, neo đậu tàu thuyền trong tỉnh 2.560 tàu/15.553 lao động và 315 tàu/347 lao động ngoài tỉnh neo đậu tại các bến, cảng cá trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn.

Mưa lũ không gây thiệt hại về nguời, làm bị sập và hư hỏng 5 nhà dân ở Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Về giao thông-thuỷ lợi, mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến giao thông đường sắt, tạm ngưng chạy tàu từ ngày 24-11. Đến nay, Công ty CP đường sắt Thuận Hải đang khẩn trương triển khai phương án tu sữa và huy động nhân lực tham gia bốc xếp, vận chuyển, tập kết vật tư, vật liệu hiện trường để phục vụ công tác cứu chữa và thông tuyến vào lúc 0 giờ, ngày 26-11. Đối với các tuyến đường giao thông nội tỉnh, nước lũ làm tuyến Quốc lộ 27, 27B bị sạt lở cục bộ một số vị trí; đường tỉnh 701 tại Km 21+000 (khu vực Mũi Dinh) mưa to đã tiếp tục đẩy đất, cát tràn qua đường, chiều dày cát tràn trên mặt đường gây ách tắc giao thông, tình hình sạt lở mái ta luy đất, đá rơi xuống nền, mặt đường tiềm ẩn nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua lại; tỉnh lộ 702 (đoạn Hiệp Kiết-Bình Tiên) bị sạt lỡ ½ mặt đường gây ách tắc giao thông...và một số tuyến đường tỉnh lộ liên huyện, liện xã bị tràn qua, ngập úng gây ách tác giao thông. Hiện nay mực nước đang rút xuống thấp, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiến hành khắc phục sửa chữa các hư hỏng và xử lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Công ty CP đường sắt Thuận Hải đang khẩn trương triển khai phương án tu sữa sau mưa lũ. Ảnh: Văn Miên.

Các công trình thuỷ lợi, công trình Đập hạ lưu sông Dinh khu mặt bằng bị ngập sâu 1,5m, khu vực thi công bị nuớc lũ cuốn trôi các loại vật tư, thiết bị như sắt, thép, tủ điện và các loại vật tư khác. Đoạn đê biển thuộc khu phố 8, phường Đông Hải mặt đê bị sụp lún 2 vị trí với tổng chiều dài 40 m, rộng từ 2–4m. Ngoài ra, một số tuyến kè, đường nông thôn trên địa bàn huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái bị sạt lở do mưa lũ. Hiện nay các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đang đẩy nhanh khắc phục và cắt cử trực 24/24 h đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Mưa lũ gây ngập lụt nặng ở các địa phương ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hoa màu, vật nuôi: Ninh Phước 3.267 ha bị ngập; Ninh Hải 683 ha bị ngập; Bác Ái 4,9 ha hoa màu các loại bị ngập; Thuận Bắc 70,28 ha bị ngập; Thuận Nam 165,25 ha bị ngập; Tp.Phan Rang-Tháp Chàm 36 ha bị ngập. Hiện các khu vực đang bị ngập sau, các ngành chức năng đang thống kê thiệt hại. Thiệt hại về thuỷ sản, Ninh Hải 24,5 ha đìa tôm, đìa nuôi quang canh tự nhiên bị ngập, 60 bè/200 lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại; Thuận Nam 12 bè bị sóng đánh vỡ, sạt lở đìa, bờ đìa nuôi tôm khoảng 9,2 ha, 7,7 ha rong sụn, tôm nuôi bị thiệt hại.

Qua thống kê ban đầu ước thiệt hại gần 50,7 tỷ đồng. Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Diễn biến thiên tai trên địa bàn vẫn còn phức tạp, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện Công điện số 5056/CĐ-UBND ngày 25-11-2018 của UBND tỉnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến bất thuờng của thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, tránh các thiệt hại xảy ra; theo dõi tình hình các hồ chứa để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo điều kiện tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các Sở, ngành và địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão, mưa lũ để có dự báo và cảnh báo cho Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh. Trước mắt, các địa phương cần rà soát, nắm chắc không để xảy ra người dân bị đói, khát do ảnh hưởng thiên tai; khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình ngập úng trên địa bàn; tập trung khắc phục, phục hồi sản xuất, tổng vệ sinh môi trường các khu vực trường học, khu dân cư, trạm y tế… bị ngập nước. Giúp đỡ các gia đình, nhất là các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống. Các sở, ngành khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi...đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện đi lại.