Các địa phương tập trung ứng phó mưa, lũ và khắc phục hậu quả cơn bão số 9

(NTO) Do ảnh hưởng của bão số 9, diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tập trung nắm chắc tình hình diễn biến thiên tai, triển khai có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 24-11 đến nay, ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 150mm đến 250mm. Đến 9h ngày 25-11, tổng dung tích 21 hồ chứa đạt 151,64 triệu m3/194,49 triệu m3 (chiếm 77,97% dung tích thiết kế). Các hồ đã xả lũ: Trà Co, Phước Trung, Phước Nhơn, Ma Trai, Ba Chi, Bà Râu, Tân Giang, Suối Lớn, Núi Một, Nước Ngọt, Thành Sơn, Tà Ranh, Bầu Zôn, Cho Mo. Còn các hồ khác đang tích nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi.

Tuyến đường ven biển đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy (Thuận Bắc) đã sạt lở,
gây ách tắc giao thông.Ảnh: T.Quang

Theo bác cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, đến nay, tỉnh ta không có thiệt hại về người; mưa lũ đã gây ngập lụt cục bộ ở một số địa bàn huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam; chia cắt cục bộ một số thôn ở địa bàn các xã miền núi. Các hệ thống đường giao thông chính của tỉnh bị ảnh hưởng, cụ thể, tuyến Quốc lộ 1, vào lúc 23 giờ ngày 24-11 tại Km 1530+400 (thôn Hiệp Thành-Công Hải) và Km 1537+350 (trung tâm huyện Thuận Bắc) nước ngập tràn qua đường từ 0,4-0,5m, sau 5 giờ nước rút, hiện nay đã thông đường. Các tuyến Quốc lộ 27B; đường tỉnh lộ 701; 702; 706; 707; 709 B; các tuyến đường liên xã, liên thôn... bị ngập nước, sạt lở gây cản trở đi lại...các lực lượng chuyên ngành Giao thông, Công an, Quân sự và các địa phương đã cắt cử người túc trực 24/24 giờ tại những khu vực ngập lụt, bị chia cắt để đảm bảo lưu thông qua các vị trí trên.

Đặc biệt, tuyến đường sắt qua Ninh Thuận từ km 1382+600 đến km 1383+300 khu gian Kà rôm-Phước Nhơn, nước lũ trôi nền đường, nền đá hai cầu ray, phải phong tỏa khu gian, không cho tàu chạy từ đêm ngày 24-11 và đoạn từ Km 1422+950 – Km 1423+300 nước lũ dồn về ngập đỉnh ray từ 250mm-300mm, phải phong tỏa khu gian Hòa Trinh-Cà Ná lúc 5 giờ 30 ngày 25-11. Hiện nay, mưa lũ diễn biến phức tạp, cung đường sắt qua Ninh Thuận tạm ngưng hoạt động, chờ khắc phục, ngành Đường sắt phải thực hiện chuyển tải khách của các đoàn tàu đang nằm chờ đường ở các ga trong khu vực bằng ô tô.

* Do Ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 9, những ngày qua trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đã có mưa to đến rất to, cộng với nước từ đầu nguồn đổ về dẫn đến ngập úng cục bộ tại nhiều nơi. Địa phương đã tập trung các giải pháp ứng phó với lũ.

Lực lượng Công an, Quân sự tham gia chống sạt lở khu dân cư ở ven sông Lu
thuộc khu phố 5, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: S.Ngọc

Ngày 25-11, công tác cứu hộ và sơ tán dân tại vùng ven đê sông Dinh và các vùng trũng thấp, xung yếu hết sức khẩn trương; tập trung ở khu phố 1, phường Đô Vinh; thôn Tân Sơn 1, 2, Cà Đú, Công Thành, xã Thành Hải; khu phố 1, 2, phường Mỹ Hải; khu phố 9, 10, phường Đông Hải; khu phố 6,7,8,9 phường Mỹ Đông; khu phố 1,2, phường Phủ Hà… UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các phường ven đê; huy động hàng trăm chiến sĩ công an, quân sự, người dân cùng với các phương tiện tăng cường kiểm tra, dùng bao cát để đắp chống tràn nhằm bảo vệ tuyến đê sông Dinh, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Đồng thời đã chỉ đạo các phường: Đông Hải, Mỹ Đông tổ chức kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; yêu cầu các tàu thuyền đang neo đậu tại cửa sông thôn Phú Thọ thực hiện di chuyển, neo đậu vào trong Cảng cá Đông Hải. Đồng chí Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Dự báo tình hình lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ và hạn chế thấp nhất thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân, thành phố chỉ đạo các địa phương, phòng ban triển khai nghiêm túc phương án ứng phó với lũ đã đề ra. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trực thuộc cho học sinh nghỉ học vào ngày 26-11.

* Do ảnh hưởng cơn bão số 9, trong hai ngày 24 và 25- 11, trên địa bàn huyện Ninh Phước có mưa lớn trên diện rộng gây lũ lụt trên Sông Lu, Sông Quao. Cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở huy động cả hệ thống chính trị tập trung ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.

 

Hoa màu của người dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) bị chìm sâu trong nước lũ. Ảnh: S.Ngọc

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ninh Phước, các hồ Tân Giang xả lũ lưu lượng 200 m3/giây, Tà Ranh xả lũ 3,49 m3/giây, Bàu Zôn xả lũ 4,88 m3/giây đã gây ngập lụt vùng hạ lưu trên địa bàn 8/9 xã, thị trấn (trừ xã Phước Vinh). Nước lũ đang chia cắt nhiều khu dân cư của các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận, thị trấn Phước Dân. Nước lũ trên Sông Lu gây sạt lở nhiều đoạn xung yếu thuộc địa bàn khu phố 5, thị trấn Phước Dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an và dân phòng, nhân dân sử dụng bao cát che chắn tránh nước tràn vô khu dân cư gây thiệt hại nhà ở, hoa màu của nhân dân. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng và phương tiện di dời 171 hộ, với 360 người dân sinh sống ven sông bị nước lũ đe dọa đến nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, xã An Hải có 104 hộ, với 257 người; xã Phước Hải có 50 hộ, với 75 người; xã Phước Thuận có 17 hộ, với 28 người. Các địa phương cũng đã vận động người dân di chuyển hàng ngàn gia súc ở vùng ngập lụt ven sông đến chăn thả tại các vùng gò đồi để tránh thiệt hại tài sản. Đến trưa ngày 25-11, thời tiết tiếp tục mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng trên địa bàn huyện Ninh Phước. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện có phương án di dời trên 3.000 hộ, với 9.686 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn.

Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, Cấp ủy và chính quyền địa phương quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bão lũ, kiên quyết di dời nhân dân vùng ven sông, ven biển đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn huyện huy động lực lượng cán bộ, công an, bộ đội, dân quân, thanh niên xung kích tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lũ.

* Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết, từ chiều tối ngày 24-11 đến trưa ngày 25-11, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những đợt mưa kéo dài liên tục gây ra ngập úng và sạt lở tại một số khu vực như: Đường D1 ngầm nối khu vực qua lại hai bên sông Cho Mo thuộc thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn bị sạt lở khoảng 40m gây ách tắc giao thông đến khu dân cư lân cận; các khu vực thuộc cánh đồng suối Sara, cầu dân sinh thôn Mỹ Hiệp; vùng Ninh Môn khu vực Đèo Cậu thuộc thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn đều bị ngập úng do mưa lớn nước từ trên núi đổ về cộng với nước xả từ hồ Phước Trung gây ra; dự báo khu vực ngập úng và mức ngập sẽ rộng thêm nếu tiếp tục mưa kéo dài.

Đối với các khu vực này, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng cắm bảng cảnh báo và túc trực thường xuyên để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện cũng đang lên nhưng chưa gây nguy hiểm đến các khu vực dân cư. Tuy nhiên, huyện cũng đã xác định các khu vực, các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, chủ động theo dõi tình hình diễn biến của bão và thực hiện di dời khi cần thiết khoảng 1.352 người/337 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm…

* Trên địa bàn huyện Thuận Nam đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, gây ngập lụt ở một số nơi. Tính đến trưa ngày 25-11, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Ninh… Trong đó, vùng trũng xã Phước Nam bị ngập nặng; nhiều tuyến đường, trạm y tế, trường học, chợ cùng nhiều nhà ở của người dân ở thôn Văn Lâm 3 bị ngập sâu trong nước. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tập trung phương tiện di dời khoảng 200 hộ dân ra khỏi nơi bị ngập; đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo ở những khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lỡ… bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện qua lại ở các bờ tràn, khu vực bị ngập.

Mưa lũ làm sạt lở trên tuyến đường Sơn Hải - Vĩnh Trường (Thuận Nam).Ảnh: H.Phương

Hiện nay, để đảm bảo công tác an toàn hồ chứa, Trạm Thủy nông huyện Thuận Nam đang tiến hành xả lũ ở khu vực hồ Tân Giang với lưu lượng 200m3/s, thời gian xả lũ cho đến khi hết mưa. Hệ thống truyền thanh thường xuyên cập nhật, đưa tin về diễn biến lũ lụt để người dân trên địa bàn huyện chủ động nắm bắt, đối phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thuận Bắc do ảnh hưởng của cơn bão số 9, nước từ thượng nguồn đổ về và mưa lớn đã gây ra ngập lụt tại thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong) làm nước tràn vào 80 hộ dân; tuyến đường từ hồ Bà Râu đến xã Phước Kháng và thôn Đá Liệt bị chia cắt; tuyến đường ven biển đoạn qua thôn Bình Tiên (xã Công Hải) bị sạt lở 100m. Nhiều diện tích lúa của người dân bị ngập sâu… Đặc biệt, mưa lũ đã làm tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn đi qua thôn Hiệp Kiết (Công Hải) bi ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng khoảng 600 m.

Công nhân Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải khẩn trương khắc phục
tuyến đường sắt Bắc -Nam đoạn qua thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải (Thuận Bắc). Ảnh: T.M

Nhằm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, tại các xã: Bắc Phong, Phước Kháng, Công Hải…, đã tập trung lực lượng về các thôn để giúp người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng cho biết: Ngay sau khi nước rút, địa phương đã tập trung lực lượng về các thôn rà soát thiệt hại; huy động lực lượng tập trung gia cố lại các tuyến đường nội thôn, dọn dẹp cây cối để người dân nhanh chóng ổn định đời sống. Đến nay, nhiều tuyến đường người dân đã đi lại bình thường.

* Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Bác Ái chủ động nắm chắc thông tin tình hình, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức lực lượng trực kiểm tra, ứng trực và xung kích hỗ trợ tại các vùng xung yếu. Hiện nay lượng nước chứa tại các hồ như: Sông Sắt 55,31/69,33) triệu m3, đạt 79,78% dung tích thiết kế; Trà Co 10,52/10,10 triệu m3, đạt 104,16% dung tích thiết kế, hiện đang vận hành mở 3 cửa xả tràn từ 1-1,5m; hồ Phước Trung 2,45/2,35 triệu m3 nước, đạt 104,50% dung tích thiết kế, đang vận hành mở 2 cửa xả tràn 50cm; Hồ Phước Nhơn 0,84/0,78, đạt 107,69% dung tích thiết kế. Hiện đang tràn qua tràn tự do 30cm. Các hồ được vận hành đúng quy trình và đảm bảo an toàn.

Do mưa, lũ kéo dài đã làm sụp lún bờ kè phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).Ảnh: T. Quang

Mưa lớn trên địa bàn huyện đã gây sạt lở đất đá xuống Quốc lộ 27B đoạn qua xã Phước Thành, làm ách tắc giao thông tại km 39+600 (cầu Đá Bàn) với độ dài khoảng 500 m; và tại điểm km 42 + 500 với độ dài khoảng 150 m; làm ngã đổ 1 trụ viễn thông của Viettel. Dông kèm theo sét đã làm cháy 5 tivi và 5 đầu thu của các hộ dân thôn Suối Đá (xã Phước Tiến). Lũ đã cuốn trôi 5 con gia súc tại xã Phước Thành, Phước Trung, gây thiệt hại một số diện tích sản xuất, gây sạt lở và cuốn trôi khoảng 4,9 ha cây trồng các loại (mì 2,6 ha, bắp 1,45 ha, dưa 0,3 ha, lúa 0,3 ha và chuối 0,25 ha).

Huyện đã tiến hành kiểm tra tại các điểm xung yếu, tuyên truyền bà con nâng cao cảnh giác, không chủ quan trước tình hình mưa lũ. Chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, thống kê các thiệt hại của người dân để đề xuất phương án hỗ trợ. Mặt khác, huy động lực lượng chủ động khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến QL 27B để thông tuyến, cho phương tiện qua lại an toàn, thuận lợi.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động ứng phó với mưa lũ, các địa phương đã tổ chức sơ tán được 117 hộ/446 khẩu. Dự kiến nếu xảy ra lũ, lụt... toàn tỉnh dự kiến sơ tán dân trên 10.000 hộ dân/39.357 khẩu. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã cấp cho các Sở, ngành và địa phương với số lượng 10 bộ nhà bạt loại 24,75 m2/ bộ; 15 bộ nhà bạt loại 60 m2/ bộ; 4.460 chiếc phao áo, phao tròn cứu sinh; 20 chiếc xuồng ST-660; 600 rọ thép; 5.000 bao cát để chủ động ứng phó với mưa lũ. Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện để sẵn sàng ứng phó mưa lũ. Công ty CP đường sắt Thuận Hải đang khẩn trương triển khai phương án cứu chữa và huy động nhân lực tham gia bốc xếp, vận chuyển, tập kết vật tư vật liệu hiện trường để phục vụ công tác cứu chữa. Về các tuyến đường giao thông nội tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị BOT Ninh Thuận, Công ty TNHH Phan Rang Xanh, Công ty cầu đường 71, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Cục QLĐB 4 tiến hành khắc phục sửa chữa các hư hỏng và xử lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan ban ngành, UBND các xã thống kê thiệt hại và theo dõi tình hình mưu lũ để triển khai phương án ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.

Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện hỏa tốc số 5054/CĐ-UBND về triển khai thực hiện công tác ứng phó vơi cơn bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Công điện số 1671/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 5046/CĐ-UBND và Phương án số 5047/PA-PCTT của Chủ UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.