Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 9

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 23-11, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện hỏa tốc số 5046/CĐ-UBND; Phương án số 5047/PA-PCTT về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 10 giờ ngày 23-11; tất cả các công tác ứng phó với bão số 9 phải hoàn thành trước 17 giờ 00 phút ngày 24-11-2018.

Để chủ động ứng phó, ngay sau cuộc họp trực tuyến của Trung ương về công tác ứng phó với cơn bão số 9, UBND tỉnh cũng đã tổ chức họp triển khai nhanh công tác phòng, chống ứng phó với cơn bão số 9 và thành lập các đoàn do các đồng chi1` lãnh đạo tỉnh xuống kiểm tra, đốn đốc trực tiếp ở các địa phương, các công trình trọng điểm, hệ thống hồ đập, đê, kè thủy lợi, giao thông...trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các địa phương, chính quyền và người dân đang quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 9.

* Theo UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, để chủ động ứng phó với cơn bão số 9, ngay sau khi có công điện khẩn của UBND tỉnh, thành phố đã khẩn trương thực hiện các phương án phòng, chống bão, lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, lãnh đạo Tp. Phan Rang-Tháp Chàm chỉ đạo những phường ven biển trọng điểm: Đông Hải, Mỹ Đông, Mỹ Bình tập trung phối hợp với lực lượng biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm và đi vào các khu neo đậu tránh trú an toàn; đồng thời cắt cử lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống phương tiện, lồng bè nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên thuyền hoặc các bè thủy sản, cắm biển báo và trực chốt tại những điểm nguy hiểm, sạt lở.

 

Ngư dân phường Đông Hải đưa thúng, chài lên bờ tránh bão.Ảnh: Mỹ Dung

Đối với các phường ven đê sông Dinh: Mỹ Hương, Đạo Long, Tấn Tài cần chủ động chuẩn bị bao cát chắn các khe phai đê, chằng chống nhà cửa an toàn, bảo đảm tuyến đê và tính mạng người dân. Các đơn vị dịch vụ công ích và phòng, ban chuyên môn có phương án chặt tỉa cây xanh, bảo đảm hệ thống thoát nước, chiếu sáng, các biển bảo, hệ thống giao thông thông suốt. Theo báo cáo, toàn thành phố có 482 tàu thuyền với trên 3.600 lao động, đến trưa ngày 23-11, tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào nơi tránh trú bão an toàn… Có mặt tại bờ kè Đông Hải, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương, tích cực chằng chống, kiên cố nhà cửa, vận chuyển ngư lưới cụ đến nơi an toàn của bà con ngư dân. Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải, cho biết: Hiện đã có 384 tàu, thuyền của địa phương và ngoài tỉnh đang neo đậu tại Cảng cá Đông Hải; đối với 37 chiếc tàu đang neo đậu ngoài khơi, địa phương đã liên lạc và yêu cầu về nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, phường phối hợp với Trạm Biên phòng Đông Hải, Đồn Biên phòng Ninh Chữ vận động các hộ nuôi lồng bè ký cam kết đưa lồng bè về Khu quy hoạch C1 và di dời toàn bộ lao động trên lồng bè lên bờ để tránh thiệt hại trong mưa bão...

* Tại huyện Ninh Phước, đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Với tinh thần tích cực, chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với cơn bão số 9, chính quyền địa phương huy động cả hệ thống chính trị vận động Nhân dân chằng chống nhà ở và có phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời trên 3.000 hộ, với 9.686 người dân sinh sống ven biển, ven sông đến nơi trú ẩn an toàn. Toàn huyện huy động trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, dân quân, thanh niên xung kích sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng thời dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống sẵn sàng cứu trợ cho người dân vùng bão lũ. Nông dân các địa phương chủ động ngăn bờ, tháo nước, giằng chống giàn nho, giàn táo giảm nhẹ thiệt hại trước cơn bão số 9.

Cán bộ UBND xã An Hải cấp phát phao cứu sinh cho Ban quản lý các thôn
chủ động ứng phó với cơn bão số 9.Ảnh: Sơn Ngọc

Trạm Thủy nông huyện chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị phòng chống lụt bão tại các hồ chứa Lanh Ra, Bàu Zôn, Tà Ranh và thông báo cho chính quyền địa phương về kế hoạch xả lũ để chủ động đi dời người dân cư trú vùng hạ lưu. Đồng thời chuẩn bị các biện pháp khắc phục hậu quả tình hình bão lũ nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất cho nhân dân địa phương. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền vận động nhân dân chủ động ứng phó với cơn bão số 9, giảm nhẹ thiệt hại về người tài sản đến mức thấp nhất do bão lũ gây ra. Đồng chí Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Hải cho rằng với chiều dài bờ biển trên 3,5 km và nơi hợp lưu của sông Cái Phan Rang với Sông Lu và Sông Quao, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão lũ. Cấp ủy, chính quyết liệt triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bão lũ, kiên quyết di dời nhân dân vùng ven sông, ven biển đến nơi trú ẩn an tòan. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng cứu nạn, phương tiện cứu hộ và đẩy mạnh tuyên truyền vận động mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư tích cực tham gia cùng chính quyền chủ động ứng phó với thiên tai nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

* Tại huyện Ninh Sơn để chủ động ứng phó với cơn bão số 9 và tình hình mưa lũ trên địa bàn, ngay sau khi có công điện hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, các cơ quan, đơn vị nâng cao cảnh giác phòng, chống thiên tai, chủ động chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu vực đô thị, khu đông dân cư để hạn chế thiệt hại do bão gây ra. 

Với phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện còn thành lập 3 đoàn đi kiểm tra các địa điểm, địa bàn xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện xuống từng địa bàn chỉ đạo nhân dân có biện pháp ứng phó với bão; huy động 3 xe ben, 2 xe máy múc, 1 xe có đầu kéo để hỗ trợ khi có xảy ra sự cố. Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các tràn, đường ngập nước, đặc biệt là các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất như Lâm Sơn, Lương Sơn, Tân Sơn, Ma Nới, Mỹ Sơn, Hòa Sơn; các khu vực có khả năng bị ngập úng tại các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn. Chủ động di dời dân cư sống tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng thấp, nhất là khu vực thường xuyên bị chia cắt, các nhà ở của người dân không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn. Chủ động liên hệ với các Công ty Cổ phần thủy điện như: Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi, Hạ Sông Pha, Sông Ông, Quảng Sơn và các hồ, đập chứa nước có ảnh hưởng đến địa bàn như đập dâng Tân Mỹ, hồ Cho Mo, hồ Phước Trung nhằm chủ động lực lượng ứng trực 24/24 giờ để vận hành xả lũ, đảm bảo an toàn vùng hạ lưu và an toàn công trình hồ đập.

Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo huyện Ninh Sơn, đến 16 giờ ngày 23-11, công tác ứng phó với bão số 9 và tình hình mưa lũ tại địa phương đã được chuẩn bị sẵn sàng, mọi thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt phục vụ tốt cho công tác điều hành, chỉ đạo khi có thiên tai xảy ra.

* Tại huyện miền núi Bác Ái, để ứng phó với cơn bão số 9 kịp thời và hiệu quả, sáng ngày 23-11, huyện Bác Ái tập trung ráo riết thực hiện các phương án phòng, chống bão, lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đến 12 giờ cùng ngày, công tác ứng phó với cơn bão cơ bản được hoàn thành. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã về các cơ sở, đôn đốc, chỉ đạo nhân dân địa phương chằng chống nhà cửa, tỉa chặt cây cối, đặc biệt là công tác vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn huyện. Hiện nay, Trạm thủy nông huyện Bác Ái đã xả nước với lưu lượng phù hợp tại 2 hồ: Trà Co và Phước Trung để đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu khi có mưa lớn xảy ra.

Nhân dân và cán bộ thôn Suối Lở, xã Phước Thành (Bác Ái)
tổ chức chằng chống nhà cửa để phòng chống bão.Ảnh: Lê Thi

Địa phương tổ chức cho lực lượng dân quân tự vệ và công an xã đến trực tại các đập tràn, chân núi, đồi hay sạt lở để nhắc nhở bà con không qua lại tại các khu vực trên. Chúng tôi ghi nhận tại thôn Suối Lở, xã Phước Thành, nơi thường xuyên xảy ra lũ quét và gió lốc, khi nhận được thông báo về diễn biến cơn bão số 9, bà con cùng lực lượng dân quân tự vệ và công an viên của địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa và di chuyển đàn gia súc tại các khu vực chân núi đến nơi an toàn. Trong đó, 32 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng cao khi mưa lớn xảy ra, địa phương đã có kế hoạch di dời bà con đến ở tại nhà cộng đồng thôn và trường học nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

* Tại huyện Thuận Nam, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 9 kịp thời, hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã trên địa bàn huyện tập trung tổ chức phân công thành viên trực 24/24 nắm thông tin, huy động các phương tiện, vật tư và lực lượng để kịp ứng phó khi tình hình bão diễn biến phức tạp. Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: sau khi có Công điện hỏa tốc của UBND tỉnh về cơn bão số 9, ngay trong sáng 23-11, huyện đã tổ chức cuộc họp triển khai các phương án cụ thể đến mỗi xã. Theo đó, tập trung giám sát, cắm biển cảnh báo ở những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi bão lũ xảy ra; đồng thời chuẩn bị trang thiết bị cần thiết như: áo phao, dây thừng, xuồng nhôm… phục vụ cho công tác ứng phó. Đối với các xã vùng biển, công tác ứng phó với bão cũng hết sức khẩn trương. Tại xã Phước Dinh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Hải đã tích cực liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Tàu thuyền ngư dân Thuận Nam neo đậu trú bão an toàn tại Cảng Cà Ná. Ảnh: Văn Nỷ

Đến trưa 23-11, toàn bộ 137 phương tiện do đơn vị quản lý đã được đưa vào bờ. Trong đó, có 2 tàu lớn đang hoạt động tại vùng biển phía Tây Nam của nước ta được hướng dẫn di chuyển về neo đậu tại Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, thực hiện lệnh cấm biển của UBND tỉnh, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Sơn Hải nghiêm túc ứng trực 24/24, đảm bảo duy trì quân số kiểm tra, kiểm soát không để các chủ tàu thuyền ra khơi khi chưa hết lệnh cấm. Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Cảng Cà Ná cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, cảng đã huy động nhân viên chủ động túc trực làm nhiệm vụ hướng dẫn, sắp xếp phương tiện tàu thuyền neo đậu hợp lý. Hiện nay, trên 530 tàu cá địa phương và tàu vãng lai được neo đậu an toàn tại cảng.

* Để ứng phó với bão số 9, ngày 23-11, lãnh đạo huyện Ninh Hải đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các phương án ứng phó bão ở các địa phương. Tất cả các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng đi vận động và giúp đỡ nhân dân di chuyển tàu, thuyền vào nơi trú bão; chằng chống nhà cửa, các công trình đang xây dựng dang dở…. Theo thống kê, toàn huyện có 1.041 tàu thuyền, đến 12 giờ, ngày 23-11, toàn bộ đã vào bờ, trong đó nhiều tàu thuyền được đưa vào các cảng cá trú ẩn an toàn.

Tàu thuyền địa phương và các tỉnh bạn neo đậu trú bão
an toàn tại Cảng Ninh Chữ.Ảnh: Trần Phương

Riêng 101 lồng bè nuôi trồng thủy sản của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tại khu C1, C2 (thuộc địa phận xã Tri Hải) lực lượng biên phòng và địa phương vẫn đang tích cực vận động, kêu gọi người dân vào bờ, ký cam kết không để lại người trên các lồng bè khi bão sắp đổ bộ vào đất liền. Tại xã Vĩnh Hải chính quyền địa phương và các đoàn thể cũng đã chủ động chuẩn bị sẵn các phương tiện cần thiết để ứng phó khi mưa bão xảy ra. Tính đến 10 giờ ngày 23-11, có 180 tàu thuyền đang neo tránh bão ở vịnh Vĩnh Hy, trong đó có 18 tàu du lịch; toàn bộ lao động trên 3 nhà hàng nổi, 29 ca nô kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực vịnh cũng đã vào bờ tránh bão. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh hải cho biết: Thực hiện phương án phòng, chống cơn bão số 9, từ ngày 22-11, Huyện Ninh Hả đã phân công thành viên Ban Chỉ huy PCLB&TKCN phụ trách từng địa bàn, khu vực, kiểm tra đốc thúc UBND các xã huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ tổ chức cứu hộ, cứu nạn; triển khai cho Nhân dân gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào đất liền; kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi nơi nguy hiểm, nhất là các khu vực trũng, thấp cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu khi mưa lớn đến nơi an toàn.

* Trước tình hình diễn biến của bão số 9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thuận Bắc đã tích cực triển khai phương án ứng phó với bão số 9. Theo đó, huyện Thuận Bắc tập trung phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phụ trách từng địa bàn, khu vực; kiểm tra đôn đốc các xã rà soát, xây dựng phương án di dời Nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khi có bão lũ xảy ra; củng cố lực lượng xung kích ở các ngành, các xã.

Các xã trên địa bàn huyện Thuận Bắc sẵn sàng ứng cứu khi bão vào đất liền. Ảnh: Tiến Mạnh

Đối với những khu vực dễ bị lũ, lụt ở thôn Hiệp Thành, Suối Giếng (xã Công Hải), thôn Ba Tháp, Gò Sạn (Bắc Phong), thôn Bỉnh Nghĩa (Bắc Sơn) và khu vực Dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại; khu vực dễ bị lũ quét thôn Hiệp Thành, Suối Giếng (Công Hải), thôn Kiền Kiền 1, Kiền Kiền 2, Bà Râu 1, Bà Râu 2 (Lợi Hải), thôn Ba Tháp, Gò Sạn (Bắc Phong) và Phước Kháng; khu vực dễ bị sạt lở núi, đất: Khu vực Núi Chúa xã Lợi Hải; Núi thôn Đá Mài Trên (khu vực đá lăn), Cầu Đá xã Phước Kháng; thôn Xóm Bằng và thôn Láng Me xã Bắc Sơn; Khu vực Suối Rách phía Đông Bắc thôn Động Thông xã Phước Chiến. Tuyến đường Suối Le-Phước Kháng; dọc theo tuyến đường Phước Chiến-Phước Thành; tuyến đường xuống thôn Bình Tiên, xã Công Hải.... Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu cử lực lượng túc trực 24/24 giờ khi bão lũ xảy ra, tổ chức ứng cứu kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân...