Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm 2018, hạn hán có thể quay lại sớm hơn dự kiến mọi năm. Trong đó, Ninh Thuận sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong mùa hạn năm nay. Tính đến đầu tháng 4, tổng dung tích 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 154/194 triệu m3, nếu không có mưa tiểu mãn thì sản xuất vụ hè-thu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ đã cạn khô hoặc xuống mực nước chết. Một số hồ như: Hồ Tà Ranh, Phước Nhơn, Bàu Ngứ, Suối Lớn và Bà Râu nằm trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái và Thuận Bắc nước còn không nhiều nên việc phân bổ nước tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như mực nước tại hồ Phước Nhơn (Bác Ái) hiện chỉ còn 0,09 triệu m3 nhưng phải đảm nhận tưới cho 182 ha đất sản xuất, trong đó có 106 ha đất lúa từ 40 đến 80 ngày tuổi. Không muốn mất trắng mùa vụ, nên nhiều nông dân ở đây phải thu hoạch sớm. Tại hồ Bà Râu (Thuận Bắc) chỉ còn 2,36 triệu m3 nhưng phải đảm nhận tưới cho 621 ha. Cũng như tại hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải), mấy tháng nay đã cạn khô, hàng trăm ha cây trồng lấy nước tưới từ hồ này đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng vì nguồn nước ngầm ngày càng khô kiệt.
Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) nỗ lực tìm nguồn nước ngầm
trong lòng hồ Ông Kinh để cứu cây trồng.
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải (Ninh Hải) cho biết: Xác định lượng nước ở hồ Thành Sơn không đủ để cung cấp cho 150 ha trong vụ hè -thu năm nay, nên UBND xã đã vận động nông dân chuyển đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, mía… khoảng 30 ha để làm thức ăn cho gia súc trong mùa hạn và dùng số nước trong hồ còn lại để cho gia súc uống khi hạn đến.
Để chủ động điều tiết nước tưới phù hợp cho từng vùng sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã thành lập các tổ công tác chống hạn ở đập Bến Nưng, đập Suối Bay, đập Tà Lốc… tập trung bơm nước từ các hồ chứa trên địa bàn để lấy nước tưới luân phiên cho cây trồng, nhất là diện tích lúa từ 40 đến 80 ngày tuổi. Mặt khác, để cứu cho vùng đất sản xuất ở hồ Tà Ranh, xã Phước Thái (Ninh Phước), Công ty đã hỗ trợ đường ống cho các hộ dân bơm nước chống hạn từ trạm bơm Đá Trắng 1, Đá Trắng 2, lấy nước từ kênh Nam và hệ thống đập Nha Trinh để tưới luân phiên từ kênh chính đến kênh cấp 1. Các địa phương tổ chức thực hiện tưới luân phiên nghiêm ngặt để tiết kiệm nước.
…Những ngày này, về thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 của xã Nhơn Hải , nơi được coi là “vựa nho” của huyện Ninh Hải, mặc dù thiếu nước tưới cho cây trồng, nhưng nhiều nông hộ vẫn bám trụ giữ màu xanh cây trồng trong mùa hạn. Hộ anh Nguyễn Minh Trí, thôn Mỹ Tường 2, trồng 5 sào nho. Từ năm 2015 đến nay, để cứu cây trồng, anh Trí phải bỏ ra gần 50 triệu đồng thuê công đào giếng khoan, với mũi khoan sâu hơn 40 m, cách lòng hồ Ông Kinh 200 m và lắp thêm đường ống hơn 1 km dẫn nước về rẫy tưới cho cây nho. Năm nay, anh chỉ giữ lại 2 sào trồng nho, số diện tích còn lại thay thế bằng cây hành lá để tiết kiệm nước. Ngồi đợi công thuê đào ao nhỏ trong lòng hồ, đưa nước từ giếng khoan vào ao mới đào và dẫn về rẫy để tưới, trao đổi với chúng tôi, anh Trí than thở: Từ đầu năm đến nay, khu vực này ít mưa, dẫn đến lượng nước tích trong hồ không nhiều nên nhanh chóng cạn. Đoán trước tình thế hạn sẽ quay lại và mùa vụ này chắc thua lỗ nặng nhưng gia đình vẫn quyết tâm không để đất bị bỏ hoang, đầu tư kinh phí đào ao để có nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn. Gần đó không xa, ông Nguyễn Hàm An, có giếng nước sâu 6 m cũng đang cạn kiệt dần. Mấy năm qua, gia đình ông An đã bỏ ra 80 triệu đồng khoan 4 giếng nước với độ sâu từ 32 đến 36 m, nhưng chỉ có 2 giếng có nước, hai giếng còn lại xem như mất trắng tiền đầu tư. Ông cho hay: Tuy rẫy chỉ còn 2 lỗ giếng có nước và cho dù “đuối” trong cơn hạn này, nhưng gia đình vẫn nỗ lực tìm nước ngầm để cứu cây trồng.
Nhiều nông dân ở đây chia sẻ, hai năm về trước, đối mặt với hạn hán khốc liệt, nhiều gia đình đã bỏ vốn đào các giếng nước rồi bằng cách đào ao rộng khoảng 50-60 m2 có trải bạt để tích nước tưới cho cây nho, cây tỏi. Năm nay, hạn hán quay lại sớm hơn, nông dân sẽ ứng phó bằng cách làm trước đây để có nước tưới trong mùa khô. Từ đó, duy trì màu xanh cây trồng trong cơn hạn để ổn định sản xuất.
Phan Hiếu
>> Bài 1: Chuyện chăn nuôi ở vùng “tâm hạn”