Bác Ái quyết tâm thực hiện giảm nghèo theo hướng bền vững

(NTO) Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện Bác Ái đã chủ động đổi mới và sáng tạo trong cách làm. Qua đó, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhận diện thực trạng

Bác Ái là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng lợi các chương trình theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 30a). Qua 10 năm hưởng lợi, huyện Bác Ái đã được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt... với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, địa phương được hỗ trợ trên 80 tỷ đồng, trong đó, vốn theo Nghị quyết 30a là 35 tỷ đồng, hơn 44 tỷ đồng lồng ghép từ các nguồn vốn khác. Nguồn vốn này được địa phương tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng và hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sản xuất. Mặc dù mỗi năm nguồn lực được hỗ trợ không nhỏ, tuy nhiên, việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương vẫn còn là “bài toán” không hề đơn giản.

Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp cơ sở, nông dân Bác Ái đã sản xuất tốt cây bắp lai.

Theo lãnh đạo huyện Bác Ái cho biết, nguyên nhân còn tình trạng trên trước hết là do đặc thù cũng như xuất phát điểm của địa phương rất thấp. Bên cạnh đó, điều kiện và trình độ, nhận thức của người dân trong sản xuất còn hạn chế; vẫn còn tình trạng không nhỏ người dân chưa ý thức nỗ lực tự vươn lên mà chỉ trong chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước; việc hỗ trợ, đầu tư một số chương trình còn dàn trải chưa thật sự đúng trọng tâm...

Với quyết tâm thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, Đảng bộ và chính quyền huyện Bác Ái đã tập trung phân tích, xác định rõ các nhóm nguyên nhân từ đó có những định hướng, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để giúp người dân thoát nghèo. Công tác này được huyện nhìn nhận là cần phải có một chính sách hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của chính người dân và phải có sự chung tay của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, trên cơ sở dựa vào Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều, huyện Bác Ái đã lập kế hoạch hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo dựa trên nhu cầu và ý chí của chính người dân chứ không hỗ trợ một cách dàn trải như những năm trước đây. Nhờ đó, ý thức của bà con được nâng lên rõ rệt nên công tác giảm nghèo trong những năm gần đây đã thực sự mang lại hiệu quả.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Việc “nhận diện” và xác định được cái “gốc” của tình trạng nghèo đã giúp Bác Ái triển khai thực hiện các chương trình đúng và phù hợp với thực tế của từng xã. Điển hình như tại xã Phước Đại, sau khi nhận diện nghèo đúng với thực tế của từng hộ, UBND xã phê duyệt các mức hỗ trợ phù hợp, đồng thời phân công cán bộ phụ trách từng hộ nghèo giúp bà con sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước một cách hợp lý để phát huy hiệu quả kinh tế. Từ cách làm như thế, trong năm 2017, toàn xã có 84 hộ đăng ký thực hiện các chương trình giảm nghèo, sau khi rà soát, cuối năm toàn xã có 36 hộ đã đủ điều kiện thoát nghèo. Số hộ còn lại địa phương phấn đấu trong năm 2018 tiếp tục hỗ trợ để thoát nghèo bền vững. Ông Chamaléa Ông, Chủ tịch UBND xã Phước Đại cho biết: Tuy số hộ nghèo năm 2017 chưa đạt theo chỉ tiêu xã đề ra, nhưng về cơ bản các hộ đã thoát nghèo đủ điều kiện để tự mình vươn lên trong những năm tới. Mục tiêu của xã là thoát nghèo theo hướng bền vững không để tái nghèo. Đảng ủy, chính quyền xã cũng nhận thấy với cách làm này ý thức của bà con được nâng lên rõ rệt và công tác giảm nghèo thật sự mang lại hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Huyện Bác Ái có hơn 95% đồng bào thiểu số sinh sống, vì vậy việc đổi mới cách làm từ khâu tuyên truyền, vận động đến việc triển khai các nội dung, công việc theo hướng cụ thể là việc làm cần thiết. Ông Trần Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bác Ái chia sẻ: Xác định rõ nguyên nhân nghèo của bà con, trong năm 2017, Mặt trận và các đoàn thể thành viên trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai các nội dung được phân công, đảm bảo phối hợp chặt chẽ trong thực hiện. Từng đơn vị có kế hoạch triển khai rất cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Nhờ đó, bước đầu đã mang lại một số kết quả rất tích cực và đang tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn huyện. Trong đó, có thể kể đến một số việc điển hình như: mô hình liên kết hỗ trợ nhận đỡ đầu của Mặt trận huyện với Đảng ủy xã Phước Đại, Phước Thắng giúp 10 hộ thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2017; mô hình giúp nhau phát triển chăn nuôi bò của 60 hộ hội viên Hội cựu chiến binh thông qua hình thức nuôi rẽ bò sinh sản tại 3 xã: Phước Hòa, Phước Chính, Phước Thắng; vận động nhân dân 9/9 xã làm chuồng trại chăn nuôi bò, nuôi heo để hạn chế tình trạng thả rong; xây dựng mô hình hộ trồng rau xanh sạch cho 32 hộ tại 3 xã: Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Thành…

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cùng với việc đổi mới cách làm trong công tác giảm nghèo, trong năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bác Ái tiếp tục giảm 5,76% (UBND tỉnh giao 4%). Phần lớn số hộ thoát nghèo được đánh giá có đủ điều kiện cũng như năng lực để tiếp tục tự vươn lên, từ đó hướng đến thoát nghèo bền vững.

Được biết, hiện nay, huyện Bác Ái đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trong thời gian tới các nguồn lực hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo sẽ được huyện ưu tiên tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển. Trong đó sẽ chú trọng vào công tác hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng với trọng tâm, trọng điểm từng vùng, từng khu vực theo hướng sinh lợi cho người dân.