Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Phước cho biết: Nhằm đổi mới mô hình và tập hợp hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện đã thành lập các chi, hội nghề nghiệp, hướng hội viên cùng làm một ngành nghề vào chung một nhóm để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, góp phần phát triển kinh tế hộ.
Nếu như trước đây, hội viên nông dân ở khu phố 9 và 10 của thị trấn Phước Dân chủ yếu phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, từng hộ gia đình, nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hội viên, tháng 4-2017, Hội Nông dân thị trấn Phước Dân thành lập thí điểm mô hình tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản, với 10 hội viên ở khu phố 9 và 10. Sau khi đi vào hoạt động, hội viên được định hướng thị trường, tìm rõ nhu cầu thị trường để tập trung phát triển chăn nuôi. Để hội viên nắm vững kiến thức chăm sóc dê sinh sản đạt hiệu quả, hàng tháng tổ họp định kỳ 1 lần để thông tin tình hình về đàn dê, giá cả thị trường, tạo điều kiện cho hội viên trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong quá trình nuôi. Ông Trần An, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê sinh sản, cho biết: Các hội viên tham gia tổ nghề nghiệp đều cùng sở thích nên trong quá trình chăn nuôi hội viên đã phát huy tính cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả mang lại cao.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) trồng nho theo mô hình VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hay như mô hình tổ nghề nghiệp chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Phước Hữu sau gần 1 năm đi vào hoạt động bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Văn Minh, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi bò vỗ béo, cho biết: Để hoạt động hiệu quả, tổ đã xây dựng được nội dung sinh hoạt thiết thực, phù hợp với tình hình chăn nuôi của hội viên. Nếu như trước đây, các hội viên phát triển chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự nhiên, không nuôi nhốt nên trọng lượng bò đạt thấp. Khi tham gia tổ nghề nghiệp giúp hội viên thay đổi được tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, được trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội tiếp cận được kỹ thuật trong chăn nuôi, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hội viên. Trung bình mỗi cặp bò ban đầu có giá trị khoảng 25 triệu đồng, sau thời gian vỗ béo các hội viên có thể bán với giá từ 40-45 triệu đồng/cặp, lợi nhuận thu về được hội viên quay vòng tiếp tục mở rộng quy mô.
Có thể nói, mô hình chi, tổ nghề nghiệp được triển khai trên địa bàn huyện trong thời gian qua, không chỉ giúp hội viên thay đổi hình thức sản xuất, tập hợp được các hội viên có cùng sở thích được thảo luận về thị trường, cách xây dựng mô hình kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau đoàn kết, làm giàu chính đáng mà mô hình tổ nghề nghiệp còn mở ra hướng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, góp phần tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đặng Thanh Bình cho biết thêm: Qua 1 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã thành lập được 10 chi, tổ nghề nghiệp chăn nuôi và trồng trọt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho các hội viên. Để mô hình tổ nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân huyện đã tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các tổ, cách thức chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... Bên cạnh đó, Hội cũng đã giải ngân được 4 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân giúp các hội viên của các tổ nghề nghiệp tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất...tăng thu nhập cho hội viên.
Để tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ninh Phước tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình chi, tổ nghề nghiệp ra toàn huyện. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chi, tổ được vay vốn để mở rộng các mô hình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng nhóm tổ liên kết “4 nhà” theo hình hướng chuỗi giá trị, để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.
Tiến Mạnh