Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Triển khai chương trình phối hợp thực hiện mục tiêu 15.000 hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Hội Nông dân Việt Nam – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam” ngày 12/4.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế đều phải cùng bắt tay vào triển khai, nhưng quan trọng nhất vẫn là 3 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã có Nghị quyết liên tịch số 9750/2016/NQLT-BNN-LMHTXVN về việc tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở Nghị quyết liên tịch 9750, cả nước đã có 39 tỉnh ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Liên minh Hợp tác xã các tỉnh; 15 tỉnh đang trình UBND phê duyệt chương trình phối hợp.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), qua hơn 1 năm triển khai, hai bên đã phối hợp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý của các hợp tác xã, cộng tác viên khuyến nông, hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh trong hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp – hợp tác xã liên kết, xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn…
Cụ thể, đã có hàng chục doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư kỹ thuật đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hợp tác xã. Đặc biệt đã xây dựng được chuỗi sản xuất lúa gạo an toàn ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất với 21 hợp tác xã, giúp giảm giá thành sản xuất lúa khoảng 3 triệu đồng/ha. Dự kiến, liên kết vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo an toàn này sẽ đạt khoảng 12.000 ha vào năm 2020 với khoảng 50 hợp tác xã.
Hai bên đã phối hợp xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn (UCA) thí điểm việc hỗ trợ củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi nông sản an toàn Việt Nam. Điển hình là xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản thực phẩm an toàn Việt Nam theo vùng, tiến tới tổ chức thành hệ thống liên kết trong toàn quốc.
Cùng với đó, hai bên triển khai phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực quy mô lớn, có sức lan tỏa như lúa gạo, trái cây, tiêu, điều… Hai bên lựa chọn các hợp tác xã ngành hàng chủ lực ở các địa phương để triển khai như: mía đường, lúa gạo, rau ở một số địa phương đại diện cho các vùng miền.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hầu hết các hợp tác xã đều nhận thức được muốn phát triển là phải phát triển theo chuỗi giá trị. Để chương trình thành công chắc chắn phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Cần có cú hích về chính sách, thời gian qua mới chỉ có hai chính sách chính là đào tạo cán bộ và nguồn vốn từ các quỹ. Đây được coi là nguồn vốn "mồi" làm đòn bẩy để huy động nguồn vốn từ chính hợp tác xã và thị trường, đó là: đào tạo, tư vấn, thương mại… Bên cạnh đó là sự phối kết hợp giữa các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Nơi nào có sản xuất hàng hóa là phải có hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp. Bám vào từng vùng, địa phương sản xuất để xây dựng, phát triển hợp tác xã. Cùng với đó, việc phát triển hợp tác xã không chỉ có trên lúa, cà phê, mía đường… mà phải dựa trên 3 trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia, cấp tỉnh/thành phố và đặc sản làng, xã”.
Nguồn: chinhphu.vn