Vào mùa khô hạn, việc cung cấp đủ thức ăn, nước uống và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc là vấn đề nan giải đối với các chủ hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, bằng nhiều cách làm khác nhau, nông dân vùng “tâm hạn” trong tỉnh đã cố gắng tiếp sức và bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc để vượt qua trong mùa khô hạn…
Nông dân thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái), thu gom rơm rạ
để làm nguồn thức ăn cho đàn bò trong mùa hạn. Ảnh: P.H
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, hiện nay toàn huyện có tổng đàn gia súc có sừng trên 50 ngàn con; trong đó cừu trên 28 ngàn con, trâu 300 con, bò 9 ngàn con, dê hơn 22 ngàn con. Năm nay, mới vào đầu tháng 4, thời tiết đã trở nên oi bức, khô hạn. Tại hồ Thành Sơn, thôn An Hoà, xã Xuân Hải (Ninh Hải) mới mờ sáng đã có hàng ngàn con gia súc được thả đi ăn sớm ở khu vực lòng hồ. Bởi, người chăn nuôi tận dụng thời tiết vào sáng sớm còn mát mẻ để bò, cừu… có thể tìm cỏ và đây cũng là cách làm mà hầu hết các trang trại đang duy trì đàn gia súc trong khu vực hồ. Anh Chamaléa Sến, một người chăn cừu thuê ở thôn Tham Dú, xã Phước Trung (Bác Ái), chia sẻ: Mình chăn cừu thuê cho một hộ ở thôn An Xuân, xã Xuân Hải, với số lượng 240 con. Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho đồng cỏ ở đây khô cằn, thiếu thức ăn dẫn đến đàn cừu sa sút “thể lực” và đã chết trên chục con. Để duy trì đàn cừu trong mùa hạn, khoảng 5 giờ sáng, đàn cừu được thả ra chuồng tìm thức ăn trên vùng đồi rộng khoảng 2 km. Với nắng nóng gay gắt trong mùa khô hạn, đến 11 giờ trưa thường lùa đàn cừu xuống lòng hồ Thành Sơn tìm nước uống và đến 16 giờ chiều khi thấy đàn cừu đã no lùa về chuồng..Cách đó không xa, trang trại gia súc nuôi cừu và bò của anh Trần Cao Hoà, tại thôn Đồng Dày, xã Phước Trung cũng đang lâm vào cảnh thiếu cỏ trong mùa khô. Mấy ngày qua, biết là tốn công cho cừu ăn uống nhưng vì muốn duy trì đàn cừu của mình, anh mua từng thùng sữa tươi Vinamik cho cừu uống để tiếp sức cứu sống những con cừu đang bị suy yếu bỏ ăn hoặc những con cừu mới sinh ra không đủ sức đề kháng. Anh Hoà bộc bạch với chúng tôi: Cơn đại hạn cách đây 2 năm, buộc tôi phải di chuyển đàn gia súc “chạy đồng” ra tận xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Thời điểm đó, đàn cừu chết khá nhiều. Hiện nay, tôi còn khoảng 250 con bò và trên 1.000 con cừu, thời tiết nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 3 đến nay đã có hơn 100 cừu bị chết. Năm nay, dự đoán hạn hán sẽ quay lại nên chủ động đào 1 cái ao rộng 1 ha, trồng 2 ha cỏ và thu mua rơm rạ để dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa hạn này.
Để duy trì đàn cừu trong mùa hạn, trang trại anh Trần Cao Hoà
cho cừu non uống sữa tươi.
Rời trang trại của anh Hoà, chạy ngược lên hồ Phước Nhơn (Bác Ái), nơi đáy hồ đang dần cạn chỉ còn vài vũng nước đọng lại, chúng tôi tiếp chuyện và được bà Katơr Thị Kem, một người chăn cừu thuê, cho biết: Sau tết, nắng nóng kéo dài nên cỏ mọc ít và việc khoanh vùng chăn thả tự nhiên ở những cánh đồng cũng thu nhỏ lại. Do vậy đàn cừu thiếu thức ăn là không tránh khỏi, đã có trên chục con cừu chết vì đói. Thời tiết nắng nóng nên việc thả cừu đi ăn sớm là điều tất yếu. Đàn cừu của tôi chăn trên 300 con, gặm cỏ gần những cánh đồi ở thôn Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc). Vào trưa tầm 11 giờ, tôi đưa đàn cừu xuống lòng hồ để uống nước, đó là cách tiếp sức cho cừu trong mùa hạn…
Tiếp tục trở lại thôn Đồng Dày, Tham Dú, xã Phước Trung (Bác Ái), chúng tôi ghi nhận nông dân ở đây đang tất bật thu hoạch sớm lúa vụ đông-xuân năm 2018. Những phụ phẩm như rơm rạ được nông dân tận dụng triệt để đưa về phơi khô, chất đống làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa hạn. Anh Chamaléa Sấy, đang dồn từng đống rơm chia sẻ: Gia đình làm 4 sào lúa, do thiếu nước tưới cộng với lúa chỉ chín đạt mức 80% nên gia đình đành thu hoạch sớm. Rơm rạ còn lại trên đồng ruộng được gia đình thu gom dự trữ để làm nguồn thức ăn cho 20 còn bò. Cạnh đó, bà Katơr Phố, thổ lộ: Hầu như ở đây ai cũng nuôi bò nên sau khi ruộng lúa được thu hoạch, phần rơm rạ được mọi người vận chuyển về làm nguồn thức ăn cho đàn bò trong mùa khô. Thêm vào đó, cánh đồng lúa dọc kênh Bắc xã Xuân Hải nếu gặt sớm chúng tôi sẽ xuống đấy mua thêm rơm về dự trữ để đàn bò không bị đói trong mùa hạn. Hiện nay, vụ lúa đông-xuân đang vào thu hoạch ở một số xã thuộc huyện Thuận Nam và Ninh Sơn nên nông dân đến tận nơi mua rơm về làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 400 ngàn con gia súc; trong đó cừu có gần 170 ngàn con, chiếm số lượng đông nhất. Nhằm giảm thiệt hại cho đàn gia súc trong mùa hạn, Chi cục khuyến cáo hộ chăn nuôi nên duy trì, ổn định đàn gia súc, không tăng quy mô đàn nếu chưa chủ động nguồn thức ăn và nước uống trong mùa khô hạn. Tận dụng triệt để các nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch (rơm, rạ, thân cây bắp, cây họ đậu, mía, rau lang, lá nho, lá táo…) để dự trữ, bảo quản chế biến làm thức ăn cho gia súc; chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ cung cấp nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Có kế hoạch di chuyển đàn gia súc từ vùng khô hạn, hết thức ăn đến những nơi còn nguồn nước uống, nguồn thức ăn (dọc các kênh Nam, Bắc; Đông, Tây; dọc các sông, suối trên địa bàn và các vùng hồ…) để chăn thả.
“Cùng với đó, chủ động tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn gia súc, nhất là vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng (trâu, bò, dê, cừu). Tăng cường các biện pháp cho gia súc như gia cố chuồng trại để đảm bảo thông thoáng, bổ sung thêm sữa cho gia súc non, thức ăn tinh, thuốc bổ trợ sức và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gia súc… Thường xuyên theo dõi trình trạng sức khỏe gia súc, khi phát hiện những trường hợp gia súc mắc bệnh hoặc gia súc chết không rõ nguyên nhân phải khai báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y địa phương để xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương án tổ chức phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra và lây lan trong mùa hạn”. - Đồng chí Trương Khắc Trí, cho biết thêm.
Phan Hiếu
>> Bài 2: Nông dân bám đất ở vùng khô hạn