Đến thăm Công ty TNHH May Tiến Thuận vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi ghi nhận không khí sản xuất của doanh nghiệp diễn ra khá nhộn nhịp. Khắp các dây chuyền sản xuất, công nhân đang tích cực làm việc với niềm vui và khí thế mới. Ông Nguyễn Khắc Danh, Kế toán trưởng doanh nghiệp cho biết: Trong quá trình sản xuất chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí “nhanh - bền - đẹp”, nhằm đảm bảo đúng thời gian giao sản phẩm, mẫu mã đẹp và độ bền của sản phẩm cao, nên đã tạo được uy tín với thị trường. Riêng trong năm 2017, đơn vị đã sản xuất trên 1,4 triệu sản phẩm, xuất sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và khối EU, đạt doanh thu 147 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.800 lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Bước sang năm mới 2018, công ty phấn đấu đưa doanh thu tăng thêm từ 10 đến 20% so với năm ngoái. Để đạt được kế hoạch này, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, 100% công nhân của công ty đều có mặt đông đủ để đảm nhận các nhiệm vụ được giao.
Tại Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev – Ninh Sơn, từ sáng sớm ngày 2-1, hàng chục xe công nông chở mì của nông dân tất bật về nhà máy để phục vụ cho việc thu mua và sản xuất của đơn vị. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, hiện giá mì đang được đơn vị thu mua 2.000 đồng/kg (mì đạt 30 độ bột), tuy giá có giảm 100 đồng so với những ngày cuối năm 2017, nhưng với giá hiện tại và độ bột năm nay đạt khá nên nông dân vẫn rất an tâm vì thu lãi cao. Hiện nhà máy đang mở công suất ép 120 tấn/ ngày, phấn đấu đến cuối tháng 4 sẽ kết thúc vụ thu mua trên địa bàn trọng điểm Ninh Sơn, Bác Ái. Năm 2017, nhà máy cũng đã liên kết bước đầu với một số nông dân xã Hòa Sơn và Lương Sơn thực hiện việc liên kết trong bao tiêu, tiêu thụ cây mì với diện tích khoảng 330 ha. Năm 2018, đơn vị phấn đấu mở rộng diện tích vùng liên kết tăng hơn năm ngoái khoảng vài trăm ha.
Công nhân Nhà máy Đường Biên Hòa - Phan Rang vào ca sản xuất đầu năm. Ảnh: Nguyễn Sơn
Có mặt tại Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang vào sáng ngày 2-1, chúng tôi được ông Phan Thành Hiền, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu công ty cho biết: Niên vụ sản xuất năm nay, đơn vị ký hợp đồng bao tiêu diện tích vùng nguyên liệu trong tỉnh trên 3.900 ha, tăng gần 700 ha so với vụ trước, vì vậy để đảm bảo hoạt động thu mua diễn ra đúng và kịp thời vụ, ngay ngày đầu năm mới 1-1-2018, nhà máy đã mở máy ép để tiêu thụ mía của nông dân với công suất gần 1.500 tấn/ngày. Hiện Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa–Phan Rang đang tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhất là tích cực ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật cùng nông dân đưa vào sản xuất để tăng năng suất, lợi nhuận. Tất cả các hoạt động trên đều hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và lợi ích của người trồng mía.
Sản xuất đầu năm tại Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận. Ảnh: Mai Dũng
Cùng chung không khí phấn khởi chào đón năm mới 2018, ngày 2-1, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận cũng tổ chức ra quân sản xuất mẻ bia đầu tiên của năm. Các dây chuyền sản xuất bia lon Sài Gòn Lager, Sài Gòn 333, Sagota Light... đều chạy hết công suất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sắp tới. Với thành công vượt bậc trong năm qua, năm 2018, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận phấn đấu nâng sản lượng lên trên 80 triệu lít, đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ, công nhân viên, thực hiện tốt công tác xã hội tại địa phương...
Trong những ngày đầu năm mới 2018, nông dân huyện Ninh Phước cũng đang tập trung ra đồng khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa và làm đất xuống giống vụ đông- xuân 2017-2018. Ông Huỳnh Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Vụ mùa năm 2017, toàn huyện gieo trồng 4.713 ha lúa chủ động tưới từ hệ thống kênh Nam và công trình thủy lợi hồ Tân Giang. Tính đến ngày 2-1-2018, nông dân các xã đã thu hoạch 2.000 ha lúa, năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha, tăng 2,8 tạ so với vụ mùa 2016. Thương lái thu mua lúa khô với giá 5.700-5.800 đồng/kg, nông dân có lãi trung bình trên 15 triệu đồng/ha. Với phương châm thu hoạch lúa vụ mùa tới đâu khẩn trương làm đất xuống giống vụ đông-xuân tới đó với diện tích 5.275 ha, có 664 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Hiện nay, nông dân huyện Ninh Phước đang canh tác các loại cây cho giá trị kinh tế cao gồm: 436 ha nho, 718 ha táo, 52 ha măng tây xanh. Bà con tập trung đầu tư chăm sóc vườn nho, táo, măng tây xanh cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Không khí lao động trong ngày đầu năm mới 2018 tại các huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái cũng rất nhộn nhịp. Sau ngày nghỉ lễ, nhiều nông dân hăng hái ra đồng sản xuất mang theo kỳ vọng một năm mới với nhiều thắng lợi. Trên những cánh đồng tại các xã: Hộ Hải, Phương Hải, Xuân Hải (Ninh Hải)… tiếng máy gặt đập liên hợp, nụ cười rạng rỡ của nông dân khi lúa vụ mùa năng suất đạt khá. Ông Trần Văn Hưng ở thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải chia sẻ: Gia đình vừa thu hoạch xong 7 sào lúa, năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt trên 6 tạ/sào, với giá bán 5.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 14 triệu đồng. Hiện tại, gia đình chuẩn bị làm đất để xuống giống vụ đông-xuân 2017-2018, với tinh thần khẩn trương đảm bảo khung lịch thời vụ. Tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải), nông dân cũng đang ra đồng chăm sóc cây hành tím với niềm vui phấn khởi. Sau một thời gian dài sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị ngưng trệ do hạn hán, đến nay nông dân mới thực sự có niềm vui trọn vẹn khi hành tím vừa được mùa, được giá. Vụ hành chính vụ năm nay, toàn xã Nhơn Hải xuống giống 150 ha, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha, với giá dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Tại các vùng biển ngày đầu năm mới, không khí sản xuất của ngư dân cũng trở nên hối hả, nhộn nhịp. Tại Cảng cá Đông Hải rất đông những người làm nghề đi bạn đang cùng chủ tàu kiểm tra lại máy móc, bốc xếp lưới lên tàu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho một hành trình mới trong năm. Tương tự, tại bến cá Mỹ Tân, Cảng cá Ninh Chữ, hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở đây nhiều ngày qua cũng đã bắt đầu vận hành, kiểm tra lại máy móc, nạp đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm chờ nhổ neo. Tuy nhiên, do hiện nay một đợt áp thấp mới đang hình thành trên biển Đông có thể mạnh lên thành bão nên các tàu công suất lớn vẫn đang xem xét tình hình và chưa thể ra khơi. Những tàu xuất bến dịp này chủ yếu là những tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, ra vào thuận lợi, dễ dàng. Trên cánh đồng muối ở các xã: Phương Hải, Nhơn Hải và Tri Hải (Ninh Hải), những ngày này bà con diêm dân cũng tất bật ra đồng thu hoạch muối chuẩn bị bán cho thương lái. Diêm dân kỳ vọng năm mới thời tiết tốt, giá muối tăng cao để bà con có mùa bội thu hơn.
NHÓM PV