Những ghi nhận bước đầu
Có thể nói, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” cũng như các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành chương trình sắp xếp đổi mới DNNN theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, đã cổ phần hoá 23 DNNN, 4 DNNN chuyển sang loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 2 DNNN thực hiện hình thức bán và giải thể. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hoá đều hoạt động có hiệu quả, đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm được việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận là những DNNN chuyển sang loại hình Công ty TNHH MTV theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX), và được Sở Tài chính đánh giá là hoạt động có hiệu quả, kết quả đánh giá xếp loại doanh nghiệp hàng năm đều đạt loại A, nộp ngân sách đúng và đủ theo chỉ tiêu giao của tỉnh và Bộ Tài chính.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đầu tư dây chuyền hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Hồ Chu Vân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Trong thời gian qua cho thấy, sự “thấu cảm” giữa doanh nghiệp với chính quyền và các sở, ngành chưa tốt. Đối với chỉ đạo của tỉnh thì rất thông thoáng, nhưng các huyện, thành phố và các ngành thực hiện chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo tỉnh cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính ở bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”; cụ thể hóa và phải phổ biến kịp thời các chính sách về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Mặt khác, do các DNNN trên địa bàn tỉnh đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không lớn nên hiện nay khó khăn của nhiều doanh nghiệp là thiếu vốn hoạt động sản xuất, sản phẩm tiêu thụ chậm, chi phí vận chuyển cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động
Để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ngày 21-9-2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 152-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tỉnh ta sẽ hoàn thành việc cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực và thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn.
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn) sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Văn Miên
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 6 DNNN và doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước chi phối thuộc quyền quản lý của tỉnh, gồm: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn, Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Ninh Thuận. Các doanh nghiệp nói trên đã và đang tiến hành việc cơ cấu lại, thoái vốn nhà nước đầu tư hoặc thoái toàn bộ vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành. Theo đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài chính, việc thoái vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần và thoái vốn nhà nước ngoài ngành cũng được tỉnh ta rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Đối với việc thoái vốn ngoài ngành của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Ninh Thuận đầu tư tại Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn-Ninh Chữ là 5,5 tỷ đồng, Công ty này đã tiến hành thoái vốn theo phương án và giá khởi điểm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đã 2 lần thông báo bán đấu giá nhưng không có nhà đầu tư đăng ký mua. Trong năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty chọn thời điểm thuận lợi để tiếp tục thực hiện. Đối với Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận, UBND tỉnh đã phê duyệt giá khởi điểm cổ phần và phương án thoái vốn nhà nước tại Công ty. Hiện nay, Công ty đã hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch. Đối với Công ty Cổ phần Công trình đô thị Ninh Thuận, hiện vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 91%, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thoái 100% vốn nhà nước đầu tư tại đây và đơn vị này đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á tiến hành các bước thực hiện.
Như vậy, về cơ bản, mục tiêu đặt ra tại Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã và đang được chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao và khả năng hoàn thành trước so với lộ trình đề ra. Vấn đề quan trọng là cần thực hiện tốt một trong những giải pháp, đó là: “Mở rộng các phương thức bán cổ phần, vốn góp, kể cả bán toàn bộ doanh nghiệp nhà nước; áp dụng biện pháp phá sản theo quy định của pháp luật. Tuân thủ pháp luật, tôn trọng cơ chế thị trường, thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý và công khai, minh bạch kể cả trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, như Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đề ra.
Mai Dũng