Theo đánh giá chung, từ đầu năm đến nay cùng với phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại… tại các địa phương trong tỉnh tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt các đối tượng buôn lậu ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để vận chuyển và mua bán hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác… Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389/ĐP của tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát đối với một số mặt hàng trọng điểm như: Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, xăng dầu… Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại,… thu giữ nhiều loại hàng hóa như: Thuốc lá ngoại, rượu ngoại, phụ tùng xe máy, hàng điện gia dụng, điện thoại di động, thuốc nổ, gỗ các loại… Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan đã xử lý 663 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được trên 12,545 tỷ đồng, trong đó thu phạt vi phạm hành chính trên 2,76 tỷ đồng, bán hàng tịch thu gần 1,18 tỷ đồng, phạt bổ sung, truy thu thuế trên 8,6 tỷ đồng. Từ việc xử lý kiên quyết các vụ việc vi phạm nói trên đã góp phần hạn chế sự lưu thông hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường và giảm thiểu sự tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, môi sinh, môi trường, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, người tiêu dùng; góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài trong môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trong tỉnh. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng còn chú trọng kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, vận động nhân dân tham gia công tác phòng ngừa đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và đã tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức trong xã hội hiểu rõ hơn thực trạng, nguy cơ và tác hại của tệ nạn buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng...
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu hành trên địa bàn Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Anh Tùng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thực tế cho thấy công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn không ít khó khăn, đó là tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi như sử dụng công nghệ cao, hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng khó phân biệt thật giả. Mặt khác, một số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với quy mô nhỏ, lẻ chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về hàng lậu, kém chất lượng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… chưa cao; chạy theo lợi nhuận, chuộng hàng giá rẻ, chưa nhiệt tình hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục tồn tại và phát triển...
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, tăng cường bình ổn thị trường trong tỉnh, hạn chế thiệt hại cho các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm yêu cầu đặt ra là cần thực hiên nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về lĩnh vực này, trong đó chú trọng một số công việc trọng tâm như: Ngành Thuế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về thuế, phối hợp cơ quan chức năng phòng chống gian lận về thuế; xử lý các hành vi phạm, đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản, doanh nghiệp có thực hiện giao dịch liên kết; Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, truy quét ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ lâm sản, gỗ quý hiếm, động vật hoang dã trái phép, đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh; Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, phối hợp với cơ quan Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các điều kiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý việc sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất cấm, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc,... trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, thủy sản tươi sống, rau củ quả; Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi...Ngoài ra, các ngành, địa phương câng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, chú trọng kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhất là đối với những ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, và hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá...
TD