Hai nhà thầu tư vấn nước ngoài nói trên là Delotite (Nhật) và Roland Berger (Đức), được đánh giá là đủ năng lực để trở thành đơn vị tư vấn quy hoạch thép Việt Nam.
Hiện, Vụ Công nghiệp nặng đang tiến hành lập hồ sơ và lập tổ tư vấn lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở hồ sơ và bản chào thầu của các đơn vị này, tổ tư vấn sẽ đánh giá năng lực và lựa chọn đơn vị có phương án tối ưu, giải pháp tốt nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo yêu cầu, đơn vị tư vấn được lựa chọn cuối cùng sẽ có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam là một việc làm mới. Tuy nhiên, việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành.
Trước đó, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công nghiệp nặng. Cơ quan này cũng giao Vụ Công nghiệp nặng là đơn vị chủ trì, đơn vị thực hiện là công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá Dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương là một việc làm chưa có tiền lệ. Điều này cho thấy Bộ đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép.
Nguồn www.chinhphu.vn