Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Trong năm 2017, đơn vị tiếp tục hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng để thực hiện 11 đề án; trong đó, có 4 đề án khuyến công quốc gia và 7 đề án khuyến công địa phương. Đến nay, một số đề án đã được nghiệm thu và đưa vào hoạt động như: Đề án Ứng dụng máy lập trình Golden CSA-3020XY và máy in sơ đồ FD1800m LAN trong may công nghiệp cho Công ty Cổ phần May Tân Tiến Ninh Thuận; Đề án Ứng dụng máy cắt, máy cuốn trong quy trình gia công kỹ nghệ Inox cho Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Cường A.I.C; Đề án Ứng dụng máy cắt tách vỏ cứng hạt điều tự động 4 đầu cho Công ty TNHH Khánh Ngọc Ninh Thuận; Đề án Hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy sấy trong chế biến táo cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận-Ninh Thuận... Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lao động, mà sản phẩm còn đạt chất lượng tốt hơn.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thực hiện công đoạn cắt mẫu.
Theo tìm hiểu chúng tôi, dù nguồn kinh phí khuyến công hằng năm hỗ trợ các cơ sở sản xuất chưa nhiều, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh trong huy động mọi nguồn lực, đến nay, nhiều cơ sở, làng nghề truyền thống đã được đầu tư khôi phục, kết hợp chương trình dạy nghề, hỗ trợ vốn mở rộng sản xuất hiệu quả. Cụ thể, tại làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các làng nghề khang trang, ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, còn tạo động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn thông qua việc thu hút du khách đến tham quan mua sắm. Không những thế, thông qua nguồn vốn khuyến công, hàng năm Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đào tạo kỹ năng bán hàng cho các doanh nghiệp. Riêng từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 3 phiên chợ; hỗ trợ và giới thiệu cho 5 cơ sở, doanh nghiệp tham gia 15 hội chợ tại các tỉnh, thành phố như: Long An, Phú Yên, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chọn 2 sản phẩm là đũa cẩm trắc “cẩn ốc” của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hương Quê và sản phẩm táo tẩm nước cốt nho sấy khô của Cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến nay có 1 sản phẩm là đũa cẩm trắc “cẩn ốc” đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017.
Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, công tác khuyến công ở tỉnh ta hiện vẫn phát triển chưa sâu rộng. Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành liên quan từ khâu lựa chọn, xây dựng đề án cho đến triển khai đề án còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyên tuyền, phổ biến để các cơ sở, địa phương chủ động tham gia vào hoạt động khuyến công còn chưa được thường xuyên, nên chưa phát huy hết khả năng vốn có của doanh nghiệp...
Để công tác khuyến công ngày càng phát triển, theo ông Phạm Thanh Bình, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho hoạt động khuyến công. Phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ truyền nghề, khôi phục làng nghề; tổ chức tập huấn đào tạo dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn hướng đầu tư ngành nghề phù hợp, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp cách lập dự án mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trước mắt, đơn vị tập trung rà soát các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin cho Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị tổ chức Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa với các tỉnh, thành dự kiến tổ chức trong tháng 11 này. Mặt khác, căn cứ vào nhu cầu thực tế của các địa phương để xây dựng đề án chi tiết trong năm 2018, trình Sở Công Thương thẩm định 6 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng; 6 đề án thuộc chương trình khuyến công địa phương, tổng kinh phí khoảng 420 triệu đồng và 9 đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, với kinh phí khoảng 2,2 tỷ đồng, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Văn Thanh