Theo đánh giá của Sở Công Thương, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành CN là lĩnh vực khai khoáng với tỷ lệ tăng 35,6%; tiếp đến là nhóm sản xuất, phân phối điện tăng 30,4%; CN cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6% và thấp nhất là lĩnh vực CN chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,9%. Những sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng trong tháng 8 gồm: Gạch không nung tăng 1,9 lần; muối biển tăng 48,5%; khăn bông tăng 16,7%; nước uống được tăng 15,7%; đá xây dựng tăng 15,6%; gel nha đam tăng 14,6%; xi măng tăng 14%; bao bì giấy tăng 12,5%; quần áo may sẵn tăng 9,1%; điện thương phẩm tăng 9%; phân hữu cơ vi sinh tăng 7,1%; tôm đông lạnh tăng 5,5%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, khi dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2) hoàn thành đưa vào sản xuất đã phát huy năng lực sau đầu tư, nhờ đó trong 8 tháng đầu năm, sản phẩm bia đóng lon ước tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số dự án thủy điện hoàn thành trước đó nay đã đi vào hoạt động ổn định, góp phần đưa chỉ số điện sản xuất tăng mạnh với 40,1% so với tháng trước.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận may hàng xuất khẩu. Ảnh: Văn Thanh
Về tình hình triển khai dự án, đến nay toàn tỉnh có khoảng 290 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn gần 60 nghìn tỷ đồng và 43 dự án được chấp thuận địa điểm với tổng vốn gần 40 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có 173 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn 10.696 tỷ đồng; 44 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn trên 9 nghìn tỷ đồng và 75 dự án đang hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện khởi công với tổng vốn trên 40 nghìn tỷ đồng. Riêng trong tháng 8, ngoài việc cấp và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án tại các khu, cụm CN, tỉnh ta còn tổ chức khởi công mới 2 dự án là Nhà máy điện gió Đầm Nại và Dự án khai thác, chế biến đá Granite mỏ Mavieck tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Sau gần 4 tháng triển khai thi công, đến nay dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại đã lắp đặt xong 1 trụ tua – bin gió, đến cuối năm 2017 tiến hành lắp đặt thêm 2 tua – bin gió theo kế hoạch và dự kiến đến tháng 10-2018 toàn bộ dự án (16 tua – bin, với tổng công suất 40 MW) sẽ đi vào hoạt động, hứa hẹn tạo năng lực mới, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành.
Kết quả đạt được của ngành CN nội tỉnh trong 8 tháng đầu năm là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện cho thấy, trong số 18 sản phẩm chủ lực của ngành CN vẫn còn 7 sản phẩm gặp khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu nên giảm sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế trong 8 tháng đầu năm, lĩnh vực khai thác muối biển giảm tới 55,6%; tôm đông lạnh giảm 9,1%; tinh bột mì giảm 6,5%; gạch nung giảm 5%; xi măng giảm 6,1%. Đối với chế biến nhân hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành, nhưng nay cũng giảm đến 20,5% so với cùng kỳ.
Trước những diễn biến bất lợi nêu trên, Sở Công Thương đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định từ nay đến cuối năm tập trung vận động các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời); theo dõi tình hình các dự án đang triển khai để nắm bắt thông tin, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, tạo thêm sản phẩm và nguồn thu mới cho tỉnh. Mặt khác, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để đầu tư hạ tầng các khu, cụm CN... Phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm từ 1-2 dự án triển khai xây dựng và tốc độ tăng trưởng của ngành CN đạt khoảng 16%.
Văn Thanh