Thời tiết ngày Tết thường giá lạnh, nhiều khi còn gặp mưa phùn, gió bấc khiến người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm mũi, họng, viêm phế quản... Các bệnh mạn tính cũng nặng lên như: thấp khớp, loét dạ dày, tăng huyết áp; người bệnh tim mạch dễ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đã vậy, ngày Tết việc ăn uống, nghỉ ngơi thất thường cũng làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Vậy chúng ta cần chăm sóc người cao tuổi như thế nào trong dịp Tết?
3 Lưu ý cơ bản
Muốn bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết, các bậc cao niên cần lưu tâm 3 vấn đề cơ bản sau: Về mặc: mặc đủ ấm cả ban ngày lẫn ban đêm, chú ý đội mũ len, dạ để giữ ấm đầu; quàng khăn len, dạ, mút để giữ ấm cổ, ngực; đeo găng tay, tất chân để giữ ấm đôi bàn tay và đôi bàn chân.
Về nề nếp sinh hoạt: nên sắp xếp để các cụ được ăn, ngủ, luyện tập đúng giờ như ngày thường; sáng vẫn duy trì chế độ tập thể dục, tập dưỡng sinh hay đi bộ để khí huyết được lưu thông; không nên đi xa quá, không đi chơi khuya; đặc biệt những ngày trời rét hay mưa phùn gió bấc, các cụ không nên đi ra ngoài mà chỉ nên ở trong nhà. Nếu dự tiệc vui Xuân mà các cụ có uống chút ít rượu bia thì không nên ra gió hay ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia để tránh bị cảm lạnh.
Về ăn uống: luôn luôn đảm bảo ăn 3 bữa sáng, trưa, tối đúng giờ. Bữa sáng không nên ăn muộn quá, bữa tối không nên ăn khuya quá; tránh quá bữa, bỏ bữa và cũng đừng ăn nhiều bữa quá; dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn vừa no để dễ tiêu hóa. Đối với người có bệnh tim mạch càng không nên ăn no quá vì khi ăn no máu phải dồn nhiều về dạ dày để giúp sự tiêu hóa, có thể làm cho cơ tim và não bị thiếu máu dẫn đến hậu quả là bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, có khi còn gây đột quỵ.
Dùng bữa có khác ngày thường?
Đầu bữa chỉ nên dùng chút rượu nhẹ như rượu vang đỏ là loại rượu có tác dụng tốt cho tuần hoàn, chống oxy hóa, trung hòa được các gốc tự do, chống ung thư để khai vị. Đối với các cụ, những người dùng chung bữa không nên cố mời, cố ép các cụ uống rượu; bản thân các cụ cũng đừng vì quá vui với bạn bè hay chiều lòng con cháu mà quá chén để tránh hậu quả khôn lường do say rượu bia.
Nên ăn thịt nạc, cá, giò lụa, đậu phụ, cơm tẻ, rau các loại; nên dùng hoa quả, trái cây tươi để đảm bảo cho cơ thể đủ sinh tố và các chất khoáng, vi lượng, các loại vitamin là những chất chống oxy hóa. Các oại rau lá xanh đậm như: rau ngót, cải cúc (tần ô), súp lơ xanh; các loại có màu đỏ như: cà chua, cà rốt, rau gia vị như: hành, tỏi, húng, mùi, thì là, thì mùi (ngò rí)...; các loại quả chín trong dịp Tết như: cam, quýt, đu đủ, hồng, xoài, dưa hấu, vú sữa... có chứa nhiều vitamin A, B, C, E..., các chất chống oxy hóa giúp cơ thể dễ tiêu, dẻo dai mạch máu, làm chậm quá trình lão hóa. Các chất xơ trong rau quả có tác dụng nhuận tràng và tăng thải trừ cholesterol. Cần chú ý nhắc các cụ uống đủ nước, tốt nhất là nước trái cây tươi như: nước chanh, chanh leo, nước cam và thông dụng nhất là nước đun sôi để nguội.
Không nên ăn các thức có nhiều mỡ như: thịt đông, giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, lòng mề, tim, gan... Hạn chế ăn uống ngọt như các loại nước ngọt, bánh, mứt, kẹo... chỉ nên ăn ít bánh chưng, bánh tét.
(Nguồn Báo Đời sống& Sức khỏe)