Ngày 23-1, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi ghi nhận thai phụ đầu tiên ở Hà Nội nhiễm cúm A/H1N1 trong năm 2011, trong vòng một tuần qua, bệnh viện đã phải tiếp nhận điều trị 15 bệnh nhân cúm A/H1N1. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân cúm A/H1N1 mới nhập viện, chỉ một trường hợp có dấu hiệu viêm phổi.
Trong khi đó, theo giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong vòng 2 tháng trở lại đây, số người nhiễm cúm A/H1N1 ở nước ta có chiều hướng gia tăng trở lại, với sự lưu hành của chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch ở một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Hà Nội.
Kết quả phân tích cho thấy, chủng virus cúm A/H1N1 đại dịch ở Việt Nam có độ tương đồng cao
với các chủng cúm A/H1N1 đại dịch hiện đang lưu hành trên thế giới.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiền, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với thời tiết lạnh kéo dài như hiện nay, từ nay đến sau Tết Nguyên đán nguy cơ xuất hiện bệnh nhân cúm A/H1N1 vẫn còn nhiều.
Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế, bệnh viện và viện trực thuộc tổ chức đầy đủ 4 cấp trực 24/24 giờ trong dịp tết, đảm bảo cấp cứu, điều trị kịp thời cho tất cả người bệnh. Các cơ sở y tế, công ty dược phải dự trữ đảm bảo đủ thuốc men, dịch truyền, hóa chất để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong dịp tết như: dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm A/H1N1, cúm A/H5N1.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, vận chuyển và sử dụng gia cầm, thủy cầm ốm chết, không mua thịt heo không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, không ăn tiết canh, gỏi và nem chua.
(Nguồn SGGP)