Hỏi: Luật quy định nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 bao gồm các nguyên tắc sau:
- Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
- Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, nạn nhân của bạo lực gia đình có các quyền và nghĩa vụ sau:
Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
- Yêu cầu cơ quan người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này.
- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ: Cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.