* Hỏi: Văn hóa liêm chính là gì? Nội hàm của văn hóa liêm chính là gì?
- Đáp: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Liêm "là trong sạch, không tham lam", là "không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình". Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. CẤN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cẩn, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn". Liêm chính (còn gọi là trung thực, trong sạch, ngay thẳng) là phẩm chất đạo đức nền tảng của mỗi cá nhân. Khi liêm chính trở thành một giá trị mang tính chất tập quán mà mọi người trong xã hội đều tự nguyện tuân thủ, đó là lúc hình thành văn hóa liêm chính.
Văn hóa liêm chính là một bộ phận quan trọng của đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi một quốc gia, dân tộc, thể hiện sự trong sạch, ngay thẳng, chính trực của mỗi cá nhân, tổ chức thông qua các hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp, thái độ ứng xử trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong giao tiếp xã hội. Với ý nghĩa là nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội, văn hóa liêm chính là khái niệm rộng hơn khái niệm đạo đức liêm chính. Theo đó, văn hóa liêm chính không chỉ bao gồm hệ thống các chuẩn mực ứng xử của một bộ phận cá nhân trong cộng đồng mà nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho sự vận hành của một quốc gia, chính phủ, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; được xác lập và bảo đảm trên cơ sở của hệ thống các công cụ quyền lực cùng với nguồn lực vật chất nhất định.