Hỏi - đáp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

* Hỏi: Tác dụng của thực thi văn hóa công vụ, văn hóa liêm chính, văn hóa từ chức với phòng, chống tham nhũng như thế nào?

- Đáp: Văn hóa công vụ, văn hóa liêm chính, hay văn hóa từ chức đều là một trong những dạng thức của văn hóa; đồng thời, với tính chất là một phạm trù đạo đức, chính trị, pháp lý, văn hóa công vụ, văn hóa liêm chính, văn hóa từ chức có mối liên hệ ràng buộc, tác động, bổ sung cho nhau, bởi xét đến cùng, các hình thái/dạng thức văn hóa trên đều mang tính nhân văn, vì sự phát triển của con người và xã hội.

Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Xét trên phương diện quản trị nhà nước, xây dựng văn hóa liêm chính còn là xây dựng văn hóa công vụ với tiêu chuẩn liêm chính, nghĩa là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có trình độ, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, không vụ lợi, không tham nhũng, gắn với tính chủ động, tự giác cao trong thực thi công vụ nhà nước giao, thể hiện trách nhiệm và đạo đức công vụ, thể hiện thái độ trung thực với chính mình. Việc kết hợp và vận dụng hài hòa giữa văn hóa liêm chính, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”; và “xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này trong công tác phòng, chống tham nhũng, đôi với đội ngũ cán bộ, công chức là đi từ chỗ “không thể” tham nhũng đến “không dám” tham nhũng và đến “không cần”, “không muốn” tham nhũng.